Jason Gibbs Viết cho BBC Tiếng Việt
Tô Anh Đào được làm quen với Thẩm Oánh tại buổi dạ vũ của bố bà tổ chức ở nhà bà. Tô Lan Khoa, bố của Tô Anh Đào, có tính nghệ sĩ khuyến khích sự tham vọng nghệ thuật của con gái mình. Các bạn tham gia salon của Tô Anh Đào thường gặp nhau ở nhà hay đi chơi ở các chùa gần Hà Nội như chùa Láng và chùa Trầm. Họ đem đồ ăn theo để để ăn ngoài trời (faire un pique-nique) và cũng vác đàn theo và chơi nhạc ở vùng đồng quê. Họ chưa biểu diễn trước quần chúng nhưng lại chơi và hát cho nhau nghe.
Khi bắt đầu chơi nhạc với nhau các bạn tập các ca khúc Pháp phổ thông. Thẩm Oánh kể:
Mấy tài tử ấy mỗi tuần lễ đôi lần, tập dượt đàn rất đều và rất chăm chỉ. Những bản đàn mà họ chơi đầu tiên là những bài hát thịnh hành thời bấy giờ. Song một vài tài tử trong ban đàn đó đã có sáng kiến tự soạn lấy bài để cho ban nhạc chơi.
Dần dần hai thành viện Thẩm Oánh và Dương Thiệu bắt đầu tự soạn những giai điệu. Sau một thời gian, Thẩm Bích là anh của Thẩm Oánh, soạn lời Pháp cho một số giai điệu của Dương Thiệu Tước và Thẩm Oánh tự soạn những giai điệu của mình.
Đây là ban đàn Myosotis "nội bộ." Có thêm một ban nhạc Myosotis công cộng gồm Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước, Vũ Khánh, Nguyễn Trần Dư với thêm hai nhạc sĩ nữa là Nguyễn Thiện Tơ (ghi ta, ghi ta hạ uy di, đàn banjo) và Nguyễn Trí Nhường (sax và cello). Ban nhạc này ra mắt quần chúng lần đầu ngày 13 tháng 9 1938 tại rạp Olympia tham gia một chương trình chiếu phim L'Extravagant (tức The Plainsman - Người đồng bàng) "để giúp quỹ Đoàn Ánh Sáng" - một tổ chức thiện xây nhà cho dân nghèo lúc bấy giờ (gọi là "nhà rẻ tiền"). Quảng cáo trên trang tạp chí Ngày Nay ngày 11 tháng 9 1938 của buổi này đăng thông tin "ban âm nhạc MYOSOTIS họa những bài đàn mới soạn, rất hay."
Đêm ấy ban đàn Myosotis biểu diễn bốn ca khúc là "Trong đêm thâu" và "Khúc yêu đương" của Thẩm Oánh, "Souvenance" (Hồi niệm) và "Joie d'aimer" (Thú yêu đương) của Dương Thiệu Tước (lời Thẩm Bích). Trong trí tưởng tượng của tôi, nếu quay về quá khứ nghe lại chương trình này thì chắc là ban nhạc này nghe rất đơn sơ. Theo Nguyễn Thiện Tơ các ca khúc cải biên chỉ có hai, ba bè.
Trong bốn nhạc phẩm được biểu diễn đêm đó chỉ còn bài "Khúc yêu đương" tồn tại trên trang tạp chí Ngày Nay. Lời bài tình ca này rất hay. Thuyền bị nước giật, vậy nên có người lái. Thẩm Oánh mô tả các mùa và cảnh thiên nhiên để tỏ tình. Người tình đang trong những "ngày xuân." Hãy yêu đi trước khi ngày xuân hết. Song phần nhạc chưa được vững chắc lắm. Theo quy luật nhạc phổ thông, các câu nhạc nên có con số ô nhịp như 8 hay 12. Câu đầu của "Khúc yêu đương" có 9 ô nhịp và câu thứ hai có 11 ô nhịp. Các đoạn cuối ("Bên em một ngày…") như một điệp khúc được viết đều và có mô-típ dễ thuộc.
Ban đàn Myosotis hoạt động thường xuyên đến năm 1940. Họ biểu diễn trên sân khấu các rạp Olympia, Majestic, Palace cho các tổ chức xã hội như Hội Truyền Bá Quốc Ngữ, Hội Thể Dục Bắc Việt và hội Đông Dương Công Chức Thể Thao. Thường lệ thì họ chơi nhạc 30 phút trước khi phim được chiếu. Ngày 7 tháng 1 1940 báo Đông Pháp quảng cáo rằng trước khi chiếu phim Mater Dolorosa ban Myosotis biểu diễn các bài hát mới của Thẩm Oánh với hợp xướng École Duvillier để giúp quỹ Hội Ánh Sáng.
Ban Myosotis từng biểu diễn các ca khúc mới như "Đời oanh vàng," "Hoa tàn," "Phút vui xưa," "Hồ xưa," và "Xuân về" của Thẩm Oánh, "Một ngày mà thôi," và "Tâm hồn anh tìm em" của Dương Thiệu Tước. Trong thời gian ấy Thẩm Oánh cũng bắt đầu in những tác phẩm của mình. Ông in "Mon rêve" (một bản tango, lời của "X") năm 1938. Ông cũng xác nhận ca khúc "Đôi oanh vàng" của ông là tơ bản nhạc cải cách Việt Nam đầu tiên được xuất bản năm 1939.
Nhắc về các ấn phẩm của Myosotis, Dương Thiệu Tước đã viết rằng họ chỉ in loạt độ 200 bản. Phải đợi ba, bốn năm thì mới bán hết. Tôi không biết còn ai giữ được tơ bản nhạc của Myosotis xuất bản?
Ban Myosotis chỉ được sinh hoạt từ 1937 đến 1940. Sau đó Thẩm Oánh vẫn sáng tác và tự xuất bản nhiều. Ông cũng tự nhận thiếu sót của "loại bài sản xuất trong thời đầu tiên có âm điệu lững lơ, mà ta có thể gọi là 'âm điệu lai căng.'" Nhưng một phong trào được khởi đầu. Thẩm Oánh cũng cho biết một lý do là thế hệ trẻ ở Hà Nội lúc bấy giờ "rất ham chuộng sự mới lạ ấy." Ông cũng nhắc: "Thanh niên hiểu nhạc rất hoan nghênh loại nhạc mới này, nao nức đòi hỏi xin nguyên bản để đàn ca; phong trào vừa chớm nở tực không ngờ đã lượm được kết quả đáng gọi là mỹ mẫn."
Mặc dù phong trào nhạc mới rất thành công, các ca khúc của Thẩm Oánh và ban Myosotis không được phổ biên lâu năm. Trong bìa sau một bài ca tự xuất bản năm 1941, chỉ có riêng một tác phẩm được in lại trong những năm 1954 là "Xuân về" của Nhà xuất bản Tinh Hoa in năm 1954.
Theo Thẩm Oánh, thời của ban Myosotis là giai đoạn "mơ mộng" của nền âm nhạc Việt mới. Ông sáng tác tiếp trong các giai đoạn "lịch sử, thanh niên và trẻ em" (1941) và giai đoạn "hùng ca" (1944) theo cách phân loại của ông. Cùng thời Thẩm Oánh tham gia Hội Khuyến Nhạc Bắc Việt là một hội tổ chức lớp nhạc ở các nơi công cộng ở Hà Nội. Họ dạy ca hát và các đàn tây phổ thông như dương cầm, vĩ cầm, và xướng âm pháp. Năm 1941 ông diễn thuyết lần đầu tại tại Hội Trí Tri về chủ đề "Âm nhạc cải cách Việt Nam" để nâng đỡ nghệ thuật mới mẻ này.
Năm 1945 theo Thẩn Oánh là giai đoạn nhạc cách mạng, nhưng ông không viết nhạc cách mạng. Lúc lính Nhật lật đổ chính phủ Pháp và lập ra Đế Quốc Việt Nam của Trần Trọng Kim làm Thủ Tướng, Thẩm Oánh sáng tác hành khúc "Việt Nam phục quốc." Mặc dù được Ban Âm Nhạc Vệ Quốc Quân của Đinh Ngọc Liên biểu diễn, nhưng theo nhạc sư Lê Hoàng Long tác phẩm này bị coi như "yếu đuối" và "ủy mị."
Năm 1946, Thẩm Oánh nhận chức Thư ký và Tô Anh Đào nhận chức Thủ quỹ cho Đoàn Âm Nhạc của Hội Văn Hóa Cứu Quốc Việt Nam là cơ quan lập ra Trung Ương Nhạc Viện Việt Nam của Lưu Quang Duyệt làm giám đốc. Vì chiến tranh bụng nổ cuối năm ấy, trường này chỉ tồn tại một thời gian quá ngắn ngủi. Cuối năm ấy, Thẩm Oánh ở lại thủ đô trong trận Hà Nội. Sau hiệp định Bollaert-Nguyễn Văn Xuân được kỳ ngày 5 tháng 6 1948, Chính phủ Trung ương Lâm thời Việt Nam được lập ra ở các vùng dưới quyền hành của quân đội Pháp. Từ tháng 7 bộ trưởng Bộ Thông Tin là Phan Huy Đán tìm đến Thẩm Oánh để giúp lập ra một ban âm nhạc của Đài Phát Thanh Quốc Gia là Ban Việt Nhạc. Theo Thẩm Oánh: "Thế là âm nhạc lần đầu được Chính Phủ Quốc gia nâng đỡ và công nhận, cho tới ngày nay… và mong sẽ còn được khuyếch trương để trường tồn mãi mãi."
Ban Việt Nhạc là một bước đi lớn trên đường chuyên nghiệp hóa nhạc mới Việt Nam. Ba thành viên của ban Myosotis, Nguyễn Thiện Tơ, Nguyễn Trí Nhường và Vũ Khánh, cũng làm việc cho ban nhạc này. Vốn tiết mục của ban nhạc này giúp các người yêu nhạc được tìm hiểu và đánh giá các tác phẩm, góc phần giúp có tác phẩm thời tiền chiến ấy được "vượt thời gian." Tạp chí Việt Nhạc gửi lời yêu cầu các nhạc sĩ Việt Nam đưa tác phẩm của mình cho Ban Việt Nhạc biểu diễn trên làn sóng. Ban đàn Việt Nhạc trình bày nhiều loại nhạc phẩm, kể cả thanh nhạc, khí nhạc, nhạc cổ điển, nhạc Thiên Chúa giáo, và nhạc Phật giáo. Họ cũng biểu diễn các bài hát cách mạng của Văn Cao, Phanh Hùynh Điểu, và Đỗ Nhuận cùng với những bài ca gửi từ vùng kháng chiến của Phạm Duy, Việt Lang, Tử Phác và Lương Ngọc Trác.
Trong các bài ông viết cho tạp chí Việt Nhạc, Thẩm Oánh luôn luôn cố gắng nâng lên sự hiểu biết về nhạc Việt. Trong số đầu của tạp chí ấy ông soạn bài "Huấn luyện âm nhạc cho đại chúng." Một thời gian sau ông viết về việc tạo lập một "Hội Chủ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam" (nhưng việc này không thành công). Ông viết các bài về "danh từ âm nhạc" để tìm thuật ngữ vững chắc cho các người học về nhạc Việt. Ông cũng đọc những bài thuyết trình về văn hóa trên làn sóng đài phát thanh.
Vì ông là viên chức của nhà nước Nguyễn Văn Xuân và Bảo Đại, Thẩm Oánh sẽ thấy khó sống và sinh hoạt trong nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa sau 1954. Tô Vũ kể với tôi, khi từ vùng kháng chiến về năm 1954 ông đến nghe một chương trình ca nhạc ở Hà Nội do Thẩm Oánh tổ chức. Theo kế hoạch ban nhạc sẽ biểu diễn ca khúc "Em đến thăm anh một chiều mưa" của Tô Vũ, một bài ca lãng mạn không còn được hát ở vùng Việt Minh. Bạn của Tô Vũ là Nguyễn Bách của sở Văn Hóa Hà Nội cũng đến dự và lo đến danh tiếng của bạn mình, như vậy thì áp dụng quyền lực của mình để phá vỡ chương trình này. Theo Tô Vũ, Thẩm Oánh thấy khó chịu và quyết định đi vào miền Nam. Trong sách Operation Passage to Freedom: The United States Navy in Vietnam,1954-1955 (Chiến dịch Chuyến tìm tự do: Hải quân Mỹ ở Việt Nam, 1954-1955) của giáo sư Ronald Bruce Frankum viết năm 2007, Thẩm Oánh là giám đốc của Đài Phát Thanh Hà Nội nói đã bị Việt Minh dọa và đã yêu cầu được sơ tán ngay vào Sài Gòn.
Khi vào Nam, Thẩm Oánh thành một công chức của nhà nước Việt Nam Cộng Hòa của Ngô Đình Diệm. Một thời gian ông phụ trách việc kiểm duyệt của Nha Vô Tuyến Truyền Thanh. Ông làm giám đốc của Trường Ca Vũ Nhạc Phổ Nhạc Thông (1956-58) cũng dạy xướng âm pháp và nhạc lý tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc Và Kịch Nghệ Sài Gòn. Thẩm Oánh là một trong 11 người đại diện cho nước Việt Nam Cộng Hòa tham gia The First Regional Music Conference of Southeast Asia (Hội thảo Âm nhạc Khu vực của Đông Nam Á) tổ chức từ 29 đến 31 tháng 8 1955 tại Manila, Phi Luật Tân. Hội thảo này được sự bảo trợ của UNESCO và The International Music Council (Hội Nghị Âm Nhạc Quốc Tế) của UNESCO. Được giới thiệu là một "'professor of musicology' at Saigon University" (giáo sư âm nhạc học của Đại học Sài Gòn). Thẩm Oánh phát biểu về "Musical Development in Vietnam" (tức Sức tiến triển của nền âm nhạc Việt Nam).
Sau 1954 Thẩm Oánh sáng tác ít và chỉ viết cho bạn bè. Hình như ông không thấy phù hợp với âm nhạc thị trường đang thịnh vượng ở Sài Gòn lúc bấy giờ. Sau 1975 ông dạy tiếng Pháp một thời gian rồi ông cùng Thẩm Oánh ông nhập cư nước Mỹ năm 1995.
Như nhân vật Cầm trong Nhạc thời gian, Thẩm Oánh luôn mải miết nâng đỡ nền âm nhạc Việt cho được tiến triển tốt. Ông chủ trương cho một luồng âm nhạc "thuần túy," tức là theo kiểu thẩm mỹ của nhạc cổ điển tây phương. Ông làm việc này vì có ích cho ông và các bạn ông là một điều dĩ nhiên, nhưng trước hết ông nghĩ đến vai trò của âm nhạc trong đời sống tinh thần của người Việt. Điều đáng tiếc cho ông là các tác phẩm của ông không được quần chúng hưởng ứng nhiều.
Nhưng dù sao đi nữa, các việc của Thẩm Oánh làm đã được góp phần xây lên nền âm nhạc Việt của ngảy hôm nay. Ông giúp nuôi dưỡng một môi trường cho nhạc mới được đón nhận và cũng tạo điều kiện cho nhiều nhạc sĩ và nghệ sĩ sau được thể hiện nghê thuật của mình. Thực ra cơ sở mà Thẩm Oánh xây lên là gốc của thể loại âm nhạc được gọi là nhạc tiền chiến, và nhạc này đã gây ảnh hưởng rất lớn với các nhạc sỹ Việt Nam soạn những tác phẩm trữ tình có giá trị. Mặc dù các tác phẩm của ông không được biết đến nhiều hiện nay, nhưng mỗi người yêu nhạc Việt được hưởng kết quả các việc ông làm để làm cho nhạc Việt được cải cách.
Ông Jason Gibbs có bằng tiến sĩ về Lý thuyết và Sáng tác âm nhạc từ Đại học Pittsburgh, chuyên nghiên cứu âm nhạc Việt Nam. Bài viết gửi BBC được ông viết trực tiếp bằng tiếng Việt, là bài hai của loạt bài về các gương mặt nhạc sĩ Việt Nam.
No comments:
Post a Comment