Khi tôi lang bạt từ Florida giạt vào Cali và ở với nhạc sĩ Trần Quảng Nam, hoạt động âm nhạc trong giới SV của Cal State Long Beach. Cái căn apartment 1 phòng khách rộng, cái bếp, 2 phòng ngủ 1 phòng tắm, của nhạc sĩ sinh viên du học Nam Quang Tran cũng có thể nói là cái nơi để tụ tập những quái kiệt thuộc lãnh vực văn chương, báo chí, nghê thuật âm nhạc. Từ ký giả Đông Duy, nhà thơ nhà báo Du Miên, đến Hoa Sĩ Y, sau trở thành Giáo Sư hội hoạ trường Cal State LB, đến ca sĩ Thanh Sơn, và nhạc sĩ Thanh Lâm. (Em út của ca sĩ Thanh Sơn).
Tôi biết Thanh Lâm từ nơi này mà ra. (thêm chi tiết) lúc quen biết và làm việc với Thanh Lâm, lúc đó mình 20t, còn Thanh Lâm cũng chỉ mới 16 tuổi, còn học highschool. Thanh Lâm là nhạc sĩ đa tài. Lâm rất kín đáo, không tranh đua, rất an nhiên tự tại. Nghĩ đến Thanh Lâm, tôi lại liên tưởng đến cuộc sống người nhạc sĩ của thế kỷ 17-18.
Người nhạc sĩ cặm cụi, cống hiến và phục vụ Chúa không ngừng nghỉ trong âm nhạc. Và chỉ sau khi hoàn tất nhiệm vụ của Chúa giao cho trong ngày, Lâm mới sống kiếp sống nhạc sĩ của Đời. Cuộc sống âm nhạc của Lâm cứ thế mà trôi chảy.
Nói đến người có perfect pitch trong âm nhạc không hiếm, nhưng Thanh Lâm là người nhạc sĩ có true perfect pitch đầu tiên mà tôi biết, và cho đến bây giờ, tôi cũng chưa được gặp người thứ hai ở ngoài dời.
Tôi đã nhiều lần bắt Thanh Lâm phải để tôi thử cái perfect pitch của Lâm mỗi khi gặp nhau, Lâm có thể gọi chính xác tên nốt nhạc mà không cần nghĩ ngợi. Có lần tôi kg thử bằng piano, mà thử bằng guitar rồi đẩy dây để nốt nhạc bị lơ lớ (note bending) để coi Lâm có đoán được không. Vậy mà Thanh Lâm vẫn có thể nói ra âm thanh của nốt nằm giữa hai nốt nào.
Thử riết rồi đâm chán, từ đó không thử nữa. Có lần, Lâm biết tôi đang học viết cho giàn kèn Big Band, Lâm rủ xuống nhà chơi để cho Lâm vài ý kiến về Big Band vì Lâm đang đào tạo các nhạc sĩ giàn kèn cho Nhà Thờ. Đang ngồi coi Lâm chỉ huy giàn nhạc khoảng 18-19 nhạc công. Bất thình lình, có tay nào đó thổi sai một nốt. Lâm vẫn tiếp tục cho ban nhạc đánh xong bản nhạc. Rồi cười cười hỏi tôi, có biết tay nào thổi sai nốt không? Tôi chỉ có thể chỉ vào nhóm trombone, nhưng không biết là tay nào. Lâm cười tự đắc chiến thắng, chỉ tay vào người nhạc sĩ tromebone thổi sai nốt, ròi nói luôn tên nốt sai mà tay đó thổi. Thể là cả bọn cười.
Có thời gian (trước khi tôi vào trường học nhạc) tôi đánh với một ban nhạc Hoa trên khu Chợ Tàu trên Los. Ban tổ chức lần đầu mời các ca sĩ nổi tiếng bên Đài Loan và Hồng Kong qua biểu diễn. Ban nhạc gà mờ chúng tôi chỉ có Guitar (tôi), Bass, tay trống tên Sam Ma, và tôi gọi thêm Lâm giúp thêm về keyboard cho chắc ăn.
Ca sĩ bên HK và ĐL đi hát đều mang theo partitions viết tay cho nhạc công, rất chuyên nghiệp. Họ đưa bài ra, và chúng tôi guitar, bass, trống đều ú ớ... chỉ nhìn hợp âm và dựa theo nhịp tay họ vỗ mà đánh chứ đuổi theo nốt trên bài thì thua vì bắt không kịp. Nốt nó chạy lẹ quá....còn phần bài viết cho kèn Trumpet và Alto Sax thì tông đã đổi các khoá riêng cho kèn nên anh em 3 người chúng tôi lại càng mù. Tay trống rớt nhịp không ngừng vì run.
Có người bạn “lạ” đứng coi thấy tội nghiệp quá nên anh ta nói tay trống để anh ấy vào thử. Tôi không biết anh này là ai (đến khi tập dợt xong mới biết là tay trống cừ khôi nổi tiếng Việt gốc Hoa tên Văn có biệt hiệu là Beatle hay Beetle).
Cũng trong lúc này, Thanh Lâm lẳng lặng lấy kèn saxo ra, rồi lấy phần partitions cho kèn Trumpet, phần kèn Alto Sax, lấy luôn phần kèn Tenor, trải ra trước mặt, lướt qua một lượt, rồi nói sẵn sàng.
Tay trống tên Văn Beatle cũng chỉnh lại bộ trống, lướt qua partition rồi nói sẵn sàng. Báo trống, vào bài.... Bộ trống 4 miếng cùi bắp cho ra âm thanh nảy lên chắc như bắp và tiếng kick drum đập vào tim tưởng như có amplifier... thình thịch...và tiếng kèn của Thanh Lâm trổi lên, cũng tròn trịa và chắc nịch dính chặt với nhịp trống không rời... chỉ có hai tay này thôi mà nghe rồi mới thấm câu người Mỹ hay nói, “it sounds so musical”
Chỉ vài khuôn intro đầu hay đến nỗi ca sĩ lo trợn mắt nhìn Thanh Lâm và tay Trống tên Văn một cách khiếp đảm và ngưỡng mộ đến..quên cả hát. Bình thường thì nhạc sĩ cứ xin lỗi ca sĩ rối rít vì rớt nhịp. Nhưng lần này thì ca sĩ luôn miệng xin lỗi nhạc sĩ vì nghe hay quá nên quên hát.
Tay Trống gõ chỗ nào nghe cũng ra “nhạc” và ròn rã nhịp, Kèn của Thanh Lâm thi chỗ nào giàn kèn, Lâm chạy qua phần trumpet để thổi top note, chỗ nào cần êm và tình, hợp tai thì chạy về alto hoặc tenor. Còn phần giang tấu solo thi mượt trở lại với Alto. Trong một bài, dùng Alto Sax để thổi phần Trumpet đã đổi khoá nhạc, và Tenor Sax ở một khoá khác, ngay tại chỗ, không ngập ngừng, vấp váp, là cả một việc làm khó tưởng trong mắt tôi lúc bấy giờ 3 anh em nhạc sĩ tay mơ nở mày nở mặt và cảm thấy rất an ủi. Ca sĩ sau giờ tập dợt, đi ăn chung, không ngớt lời khen ngợi Thanh Lâm và Trống. 3 anh nhạc công còn lại cũng yên tâm với bầu show vì sẽ giữ được job lâu dài hơn. Từ đó, các show với ca sĩ người Hoa, tôi không thể không réo Thanh Lâm.
Với Thanh Lâm, kỷ niệm rất đẹp và rất khác lạ vì có những trải nghiệm trong những tình huống rất đặc biệt.
RIP bạn hiền Thanh Lâm.
Facebook Ca Nhạc Sĩ Trịnh Nam Sơn
Nhạc sĩ Thanh Lâm, tay kèn saxo nổi tiếng ở hải ngoại thập niên 80-90 đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 8g45 tối thứ hai 23 tháng 9 năm 2019 tại bịnh viện UCI sau một thời gian chống trả với cơn bệnh ung thư phổi. Anh hưởng dương 58 tuổi.
Từ cuối thập niên 80, tiếng kèn Thanh Lâm đã làm say mê nhiều người trên những CD, Video của hãng băng nhạc Asia hoặc những đêm cuối tuần tại khiêu vũ trường Ritz của nhạc sĩ Ngọc Chánh nhưng từ giữa thập niên 90, Thanh Lâm quyết định rút lui ra khỏi thế giới Showbiz để tập trung thì giờ chuyên làm Thánh Nhạc với vai trò là Ca trưởng Ca Đoàn Ngàn Thông của Nhà thờ Westminster.