MỘT NÉN NHANG CHO LÃ VĂN CƯỜNG
Sáng nay đúng 4 giờ 31 phút tôi nhận được tin nhắn riêng từ con trai Lã Văn Cường. Chỉ một câu "ba con mất rồi chú Vinh ơi" mà lòng tôi tê tái. Tôi quá biết rành Lã Văn Cường bởi chúng tôi chơi với nhau từ hồi tôi ra Duyên Hải với anh Bảy Câu và Sáu Du để làm công tác văn hóa huyện. Ở đó đã có sẵn Lã Văn Cường đang làm giám đốc một lâm trường gì đó chờ sẵn tôi.
Đầu thập niên 80 Duyên Hải làm gì có nước ngọt, tôi và Lã Văn Cường đã nhậu với nhau bằng rượu và nước biển suốt đêm qua thách thức của Cường rằng "Hễ tôi đọc một bài thơ là Cường phải hát một bài nhạc". Và chúng tôi chơi đủ trăm bài rồi gục luôn tại chỗ. Sau buổi sơ giao và sau này về Sài Gòn hoặc đi bất cứ nơi đâu trên rừng xanh núi thẳm, tôi còn dính dáng đến Lã Văn Cường nhiều chuyện.
Năm 1989 tôi làm việc tại Lăng Ông Lê Văn Duyệt. Trong một lần họp mặt truyền thống Thành Đoàn tại nhà anh Sáu Quang, tôi được Sáu Quang tức Nguyễn Chơn Trung (bí thư Thành Đoàn thứ nhì sau anh Năm Nghị) kêu về Bình Thạnh, nơi anh đương chức Bí thư Quận Ủy. Anh và Tư Phương tức Nguyễn Xuân Thượng phụ trách kinh doanh du lịch đang rất cần một đảng viên có năng lực để điều hành và vực dậy di tích Lăng Ông Lê Văn Duyệt trong tình trạng xuống cấp. Anh Sáu Quang từng chỉ đạo trực tiếp báo Tuổi Trẻ từ ngày mới thành lập và tương đối am hiểu con người nổi loạn của tôi, bởi anh cũng là một người làm thơ phong trào dưới bút hiệu Thiên Lý và là Chủ tịch Tổng Đoàn Học Sinh Sài Gòn trước cả Lê Văn Nuôi. Chỉ đáng tiếc tôi chưa hề là đảng viên nên tôi quyết định giới thiệu Lã Văn Cường, một nhạc sĩ đảng viên bên lực lượng TNXP cho anh vì Cường cũng chưa có việc làm, đang chờ chuyển ngành. Thế là hai đứa tôi cùng về phòng Văn Hóa Quận một lượt. Lã Văn Cường được bổ nhiệm làm giám đốc Lăng Ông.
Trong GIAI THOẠI CỦA THI SĨ những phần trước, tôi đã nói sơ sơ về Cường. Đại khái tôi và Lã Văn Cường là cặp bài trùng một thơ một nhạc đi đến đâu tạo niềm vui cho đám đông ở đó. Vì vậy thoạt đầu nhận chức ở Lăng Ông, Cường và tôi đã quy tụ anh em hào kiệt tứ xứ khắp nơi. Nòi tình đồng điệu gặp nhau, khu di tích Lăng Ông thuở ấy khá hùng mạnh với bố già Sơn Nam làm cố vấn, với đạo diễn Trần Văn Hưng phụ trách nhà hát vừa xây dựng xong, với Đoàn Vị Thượng làm chánh văn phòng, với Nguyễn Hải làm quản lý Lăng… và võ thuật do Hồ Hoàng Khánh, huấn luyện viên Không Thủ Đạo, con trai cố võ sư lừng danh Hồ Cẩm Ngạc đảm nhiệm. Cuộc đời tưởng xuôi chèo mát mái nhưng… tưởng vậy mà không phải vậy. Giống như 108 anh hùng Lương Sơn Bạc ngày xưa, thời từng anh hùng còn “solo” chơi với nhau thật tình nghĩa, chia cơm xẻ áo hết mình, đến khi bị Tống Giang, Ngô Dụng gom sòng lại thì năm bè bảy mối, tan đàn xẻ nghé nghi kỵ lẫn nhau . Trong đạo Công Giáo có câu “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”. Ê kíp chúng tôi cũng không thoát khỏi định mệnh. Sau một thời gian “bạo phát” dưới hình thức kinh doanh mượn duy linh để làm duy vật, Lăng Ông “bạo tàn” nhanh chóng. Tôi không thể đấu tranh với chính bạn bè mình nên đành chia tay trong sự ân hận. Duy nhất một kỷ niệm đẹp mà tôi còn giữ: đó là lần đầu tiên tôi và nhạc sĩ Trần Tiến kết hợp nhau làm Đêm thơ nhạc thu hút khá nhiều sự bình phẩm của giới chuyên môn ở Lăng Ông…
Lã Văn Cường cùng tuổi với tôi, tuổi con Ngựa. Nhưng không hiểu sao trong "cáo phó" của gia đình lại ghi năm sinh 1957. Thôi kệ, ghi thế nào thì ghi. Tôi chỉ cần biết đây là một anh chàng nhạc sĩ tài hoa từng làm rung động giới trẻ một thời qua những bài thơ phổ nhạc, trong đó có 2 bài phổ thơ tôi mà tại các bàn rượu mọi người thường đề nghị Cường biểu diễn. Đó là bài thơ tôi viết riêng cho Cường sau khi gặp nhau ở Duyên Hải đầu thập niên 80 là PHẢN TỐNG BIỆT HÀNH (tên bài nhạc là VỀ BIỂN) cùng bài thơ NGÓN ÚT (tên bài nhạc là NGÓN ÚT TRÁI TIM). Xin chép lại đây bài PHẢN TỐNG BIỆT HÀNH như một kỷ niệm đẹp thuở ban đầu với nhau...
Đi đến với những người hiếu khách
Ngoài ba lô còn một cây đàn
Ba lô để nhớ thời chân đất
Cây đàn nghe sóng vỗ thênh thang
Đưa người, ta cứ đưa sang sông
Không sợ tiếng sóng ở trong lòng
Thâm Tâm lên núi mà tống biệt
Ta về biển mặn hoá dòng sông
Nhích lại gần nhau nghe ngày xưa
Chàng An Tiêm lãng mạn trồng dưa
Có cô công chúa đi làm rẫy
Con mắt to giống như em vậy
Con mắt to thành mắt con thuyền
Có người kéo lưới đợi thuyền lên
Có người kéo lưới thương con mắt
Mắt con thuyền... a, con mắt em
Người biết bơi nhớ mùa nước nổi
Lặn làm chi sặc sụa tâm hồn
Quả dưa xẻ đặt trên đầu gối
Em một đầu, ta một đầu: hôn
Ừ thôi về biển, ta về biển
Con cá ra khơi, con chim liệng
Chỉ e con sóng sắp bạc đầu
Sợ hãi vì người xanh tóc đến
Đã bảo trong ba lô có biển
Không, sao cây sác mọc thành rừng?
Đã bảo trong cây đàn có biển
Không, sao âm nhạc thở tình nhân?
Đừng hàm hồ gọi đất-không-chân
Khi ngón mỗi người đều có móng
Tóc biết bay và tay biết ôm
Gió biết biển lúc nào xúc động
Em có thể khóc chiều nay lắm
Nếu ta vờ đánh mất cây đàn
Ta có thể khóc chiều nay lắm
Nếu biển vờ quên mặt dòng sông
BCV
No comments:
Post a Comment