Chuyên Mục Nghệ Sỹ Và Đời Sống 2006 | Trường Kỳ Phụ Trách (VOA) - Ca Sĩ Bằng Kiều
Chỉ cách đây vài năm, Bằng Kiều còn nằm
trong thành phần những nghệ sĩ trong nước mà sự xuất hiện của anh trong
những chương trình ca nhạc tổ chức ở hải ngoại còn gây ra những chống
đối đến từ những nguyên nhân mang nặng mầu sắc chính trị. Nhưng không
bao lâu sau, tên tuổi anh đã đứng chung với các nghệ sĩ hải ngoại trong
tình trạng xẹp dần những dư luận không thuận lợi cho những hoạt động của
anh. Sự kiện khiến Bằng Kiều được “hợp thức hóa” chính là cuộc hôn nhân
của anh với nữ ca sĩ Trizzie Phương Trinh.
Theo luật di trú Hoa Kỳ, Nguyễn Bằng Kiều
đã trở thành một người cư trú hợp pháp. Từ đó mặc nhiên đưa đên sự hợp
thức hóa về phương diện thuần túy văn nghệ của Bằng Kiều trong hàng ngũ
những nghệ sĩ… Việt Kiều. Tuy đã trở thành một Việt Kiều, nhưng việc
muốn quay trở lại quê hương của anh xem chừng như có khá nhiều khó khăn.
Nhưng ở hải ngoại, thế đứng của Bằng Kiều đã hoàn toàn thay đổi. Từ sự
chống đối trước kia trong những lần xuất hiện của anh nay được thay thế
bằng những tràng pháo tay rộn rã của những người ái mộ. Tình trạng e dè
của khán giả hải ngoại khi đến với những chương trình có sự xuất hiện
của Bằng Kiều giờ đây đã được thay bằng một sư tham dự đông đảo. Nhất là
đối với những người từng yêu thích giọng ca của anh từ cuối thập niên
90, qua những sản phẩm audio từ trong nước lan tràn ra hải ngoại.
Bằng Kiều tên thật là Nguyễn Bằng Kiều.
Anh sinh năm 1973 tại Hà Nội. Thân phụ anh là một bác sĩ, nhưng cũng là
một nhạc công nghiệp dư, đã qua đời vào giữa thập niên 90, trước khi
người con út của ông trở thành một tên tuổi được biết đến nhiều trong
nước.
Thân mẫu anh cũng là một nghệ sĩ sân khấu
khá nổi tiếng trong các bộ môn chèo, kịch nói và ngâm thơ dưới tên Lưu
Nga. Hiện bà vẫn còn ở Hà Nội và tuy không còn hoạt động văn nghệ từ
lâu, nhưng thỉnh thoảng vẫn còn ngâm thơ trong nhưng buổi họp mặt giữa
bạn bè. Bằng Kiều – một người rất mê bóng đá và là một cầu thủ có hạng
của Hội Tuyển Bóng Đá Nghệ Sĩ nam California – vừa cười vừa cho biết anh
là cầu thủ nhỏ tuổi nhất trong đôi bóng đá gia đình gồm 11 người con!
Có lẽ do thừa hưởng dòng máu văn nghệ của
bố mẹ, nên khi mới lên 3, lên 4, Bằng Kiều đã biết hát nên từng được
nhiều cơ quan đến gặp gia đình để mượn anh đi hát trong các buổi hội
diễn! Giọng ca dễ thương của anh đã gây được rất nhiều thích thú cho
người nghe. Đến khi anh được 7, 8 tuổi đã bắt đầu được mời đi hát tại
những tiệc cưới.
Nhận thấy Bàng Kiều có năng khiếu về ca
nhạc nên gia đình anh tỏ ra rất khuyến khích anh đi theo con đường thích
hợp. Nhờ vậy anh đã bỏ nhiều thì giờ theo học rất nhiều thầy về căn bản
nhạc lý cũng như về thanh nhạc trước khi chính thức vào học ở Nhạc Viện
Hà Nội khi được 18 tuổi.
Tại Nhạc Viện Hà Nội, Bằng Kiều đã chọn
môn kèn Basson để theo học trong 8 năm, và tốt nghiệp vào năm 1997. Cùng
trong thời gian theo học ở đây, Bằng Kiều cố gắng tìm cách phát triển
khả năng ca hát của mình bằng cách thành lập ban nhạc lấy tên Chìa Khoá
Vàng. Một thời gian sau đó, anh cộng tác với ban nhạc Hoa Sữa là một ban
nhạc đàn anh cũng theo học trong Nhạc Viện từ trước. Ngoài ra trước khi
vào nhạc viện, anh từng mon men đi hát tại một số tụ điểm và vũ trường ở
Hà Nội để bắt đầu gây được chút ít tên tuổi trong một phạm vi nhỏ bé
nhờ chất giọng tốt, cộng với năng khiếu cùng sự chọu khó học hỏi nơi bạn
bè.
Đến năm 91, Bằng Kiều bắt đầu trở thành
một ca sĩ chuyên nghiệp để tên tuổi được biết đến nhiều hơn. Trong khi
đó, anh vẫn sử dụng kèn trong các buổi trình diễn với dàn nhạc giao
hưởng của trường. Trong số 11 người con trong gia đình họ Nguyễn, ngoài
Bằng Kiều còn có người anh của anh là Bằng Thái hoạt động trong ngành
kịch nói, hiện đang cộng tác với đoàn kịch Quảng Ninh.
Anh còn một người chị từng có những hoạt
động bên ngành chèo cổ tên Kim Liên, hiện sống bên Thụy Điển. Một số anh
chị em của Bằng Kiều hiện sống phân tán ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Trong số có một chị là một doanh gia ở Hồng Kông và một anh hiện cư ngụ
tận Angola và là người phụ trách về văn hóa và thể thao cho Cộng Đồng
Người Việt tại đây!
Cùng vào năm 97 là năm anh tốt nghiệp
Nhạc Viện Hà Nội, Bằng Kiều đã tung ra CD đầu tay của mình trong lúc anh
đã được biết đến trong giới sinh viên, học sinh qua những chương trình
truyền hình, trình diễn, vũ trường, vv…Tuy nhiên tên tuổi Bằng Kiều vẫn chưa
được phổ biến rộng rãi bởi lý do Hà Nội không phải là một thị trường lớn
trong lãnh vực phát triển văn nghệ.
Phải đợi đến khi vào Sài Gòn năm 98, Bằng Kiều mới được coi là thành
danh để trở thành một nam ca sĩ nổi tiếng trên toàn quốc. Đây là khoảng
thời gian chương trình truyền thanh “Làn Sóng Xanh” đang tạo thành một
cơn sốt trong giới trẻ yêu nhạc trong nước trong việc giới thiệu những
tiếng hát mới như Lam Trường, Phương Thanh, Thanh Lam, Mỹ Linh, Quang
Linh, Cẩm Vân, Bằng Kiều, vv…
Tuy Sài Gòn với “Làn Sóng Xanh” đã giúp
anh tạo nên tên tuổi trong số 10 ca sĩ được mến chuộng nhất vào những
năm cuối thập niên 90, nhưng Bằng kiều vẫn không cư ngư hẳn ở thành phố
này như một số khác từ miền Bắc vào vì vẫn luôn cảm thấy gắn bó với nơi
anh đã trưởng thành và được đào tạo thành một người có một căn bản vững
vàng về ăm nhạc. Vì vậy anh vẫn thường xuyên đi lại Hà Nội và Sài Gòn.
Và cùng thời gian này, anh thành lập một ban nhạc lấy tên là “Quả Dưa
Hấu” với một số nhạc sĩ bạn như: Anh Tú, Tuấn Hưng và Tường Vân, gặt hái
được nhiều kết quả khả quan.
Tên tuổi Bằng Kiều càng ngày càng nổi bật
hơn nữa khi anh xuất hiện trên những chương trình video uy tín trong
nước như “Làn Sóng Xanh” và “Duyên Dáng Việt Nam”. Với chương trình sau,
anh bắt đầu có mặt từ chương trình số 5 cho đến số 11, trước khi sang
Mỹ. Cũng nhờ ở thế đứng vững vàng của mình với một tên tuổi nổi như cồn
vào thời đó, Bằng Kiều đã được báo chí trong nước cùng các fans ái mộ
xưng tụng là một “siêu sao” nên đã được mời đi lưu diễn khắp nơi trong
nước.
Tại Sài Gòn vào năm 98, Bàng Kiều đã được
Mỹ Linh mời hát trong CD “Chiều Xuân” của cô. Với một số nhạc phẩm được
thu thanh trên CD lần đầu tiên này, Bằng Kiều đã thành công ngay với:
Nếu Điều Đó Xẩy Ra, Giọt Sương Trên Mí Mắt, và Trái Tim Không Ngủ Yên,
được coi như những ca khúc gắn liền với tên tuổi của anh. Sau đó, Bằng
Kiều lại tung ra một CD khác, hát chung với Trần Thu Hà. Qua đến CD thứ
3, Bằng kiều đã dành riêng cho tiếng hát của mình với một số nhạc phẩm
chọn lọc và đã gặt hái được thành công đáng kể, trước khi tung ra CD
cuối cùng được thục hiện trong nước hát chung với Phương Thanh.
Bằng Kiều biết Trizzie Phương Trinh trong
thời gian hai người thu hình cho chương trình Duyên Dáng Việt Nam 9 vào
năm 2000. Thật sự anh từng biết Trizzie trước đó qua nhưng chương trình
video thực hiện tại hải ngoại. Nhưng đối với anh chỉ “xem cho biết vậy
thôi chứ đâu có biết như thế nào”.
Nhưng qua đến năm 2001 anh mới có dịp làm
quen trong dịp cả 2 người được mời xuất hiện trong chương trình ca nhạc
Kỷ Niệm 10 Năm thành lập Trung Tâm Bến Thành Audio ở câu lạc bộ Lan
Anh. Sau lần gặp gỡ đó, Bằng Kiều xác nhận là thấy “hợp hợp và vui vui”
sau khi đã trải qua “tương đối là nhiều chuyện tình cảm”, như Bằng kiều
thổ lộ! Sau lần đầu tiên gặp gỡ đó, Trizzie quay trở lại Mỹ một thời
gian ngắn rồi về Việt Nam sống khoảng gần 2 năm. Trong thời gian này
tình cảm giữa hai tâm hồn nghệ sĩ đã trở nên thắm thiết để họ quyết định
đi đến hôn nhân.
Trước khi chính thức trở thành vợ chồng,
Bằng Kiều và Trizzie Phương Trinh đã đứng ra khai thác một số cơ sở làm
ăn, trong số có một nhà hàng trên đường Thái Văn Lung và một phòng trà
trên đường Cách Mạng Tháng 8. Nhưng sau một thời gian, cả hai vì quá bận
rộn trong lãnh vực nghề nghiệp, không có thời gian trực tiếp coi sóc
nên đã phải để cho hai nơi này ngưng hoạt động.
Vào năm 2002, Bằng Kiều sang Mỹ du lịch
lần đầu tiên và cùng với Trizzie thành hôn vào ngày 25 tháng 9 tại nam
California. Một tháng sau, hai người quay lại Việt Nam để tổ chức một
tiệc cưới tại Hà Nội. Và đến năm 2003 thì Bằng Kiều và Trizzie trở về
sống hẳn tại Mỹ. Hiện hai người đã có với nhau 2 con trong một cuộc sống
rất êm đềm và hạnh phúc. Được hỏi về phản ứng của mẹ anh trước quyết
định thành hôn của anh, Bằng Kiều cho biết anh đã được mẹ chấp thuận
ngay. Về phía gia đình Trizzie Phương Trinh cũng vậy. Bố mẹ cô đã hoàn
toàn tác thành cho cuộc hôn nhân giữa hai nghệ sĩ trẻ này.
Sau 4 năm sống trong cuộc sống hôn nhân,
Bằng Kiều tâm sự là anh cảm thấy có nhiều khác biệt so với tình trạng
độc thân trước đó. Tuy nhiên anh cảm thấy may mắn khi cả hai vợ chồng
đều là nghệ sĩ nên có được sự thông cảm lẫn nhau. Hơn nữa việc chăm sóc
con cái cũng được gia đình hai bên hết lòng trợ giúp nên sinh hoạt của
hai người không mấy bị xáo trộn.
Đối với một số khó khăn anh đã gặp phải
từ phía trong nước sau khi anh qua sống tại Hoa Kỳ, Bằng Kiều cho biết
tất cả bắt nguồn vào đầu năm 2003, khi anh xuất hiện trong chương trình
văn nghệ Tết do Cộng Đồng Người Việt ở Toronto, Canada tổ chức trước
khoảng 6, 7 ngàn người. Bằng Kiều kể lại như sau: “Em lên hát hôm đó thì
thủ tục thì chắc như anh cũng biết là phải chào cờ. Em ở trong chương
trình, em cũng phải như mọi người khác thôi. Khi mà em hát thì có người
lên tặng bó hoa có cắm cờ Việt Nam, cờ vàng 3 sọc đỏ thì bắt đầu là bên
kia người ta phản ứng “
Phản ứng mà Bằng Kiều nói đã được Cục
Nghệ Thuật Biểu Diễn quyết định qua một công văn, được báo chí trong
nước đăng tải tóm tắt như sau: ”Cục này đề nghị các đài phát thanh,
truyền hình trên toàn quốc, các nhà xuất bản, đơn vị nghệ thuật, đơn vị
tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp và các đơn vị sản xuất, phát
hành băng đĩa, ca múa ca nhạc, sân khấu không sử dụng dưới mọi hình thức
các tiết mục biểu diễn của 2 ca sĩ Bằng Kiều, Thu Phương và những bài
hát do Bằng Kiều sáng tác. Đối vói các chương trình băng đĩa, các ấn
phẩm xuất bản đã được phép phát hành, khi tiếp tục nhân bản hoặc tái
xuất bản, phải cắt bỏ các tiết mục của hai ca sĩ, cũng như không sử dụng
những ca khúc của Bằng Kiều…”
Cũng theo báo chí trong nước thì Cục Nghệ
Thuật Biểu Diễn quyết định Bằng Kiều (và Thu Phương) không được hưởng
quyền của nghệ sĩ Việt Nam cũng như không còn được hưởng quyền công dân
Việt Nam.
Trước phản ứng này Bằng Kiều cho là “Tất
cả là do báo chí người ta quan trọng hoá vấn đề lên thôi chứ còn bản
thân em đâu cái gì mà ghê gớm đâu!”. Ngoài ra theo anh biết, không hê có
chuyện anh bị cấm về nước. Do đó Bằng Kiều không cho ràng có vấn đề khó
khăn nếu anh trở về quê hương khi có dịp vì “em nghĩ lại em là người
Việt mà… Em về có thể sẽ bị kỷ luật, có thể bị này kia. Nhưng mà về thì
vẫn phải về thôi. Về nhà mà… Khi nào có dịp thì em về thôi.”
Trước những phản ứng ở trong nước đối với
anh, Bằng Kiều cho rằng cảm tình của khán giả ở Việt Nam dành cho anh
không thay đổi cho nên anh không đặt nặng vấn đề này.
Từ năm 2004, Bằng Kiều nhận lời cộng tác
với trung tâm Thúy Nga để xuất hiện lần đầu tiên trên chương trình Paris
By Night 72 trong nhạc phầm Anh Sẽ Nhớ Mãi và gần đây nhất là Buồn Ơi
Chào Mi trên Paris by Night 83 mới phát hành. Với thể loại nhạc trình
bày của mình mà Bằng Kiều gọi là nhạc trẻ, anh không quan niệm là hát
nhũng nhạc phẩm họp với mình mà chính là phải được khán giả yêu thích…
So sánh với thời gian trước kia, Bằng
Kiều tự nhận xét là hiện nay giọng hát và phong cách trình diễn của anh
“có phần kinh nghiệm hơn và có phần đậm đà hơn”
Những điều đó, khán thính giả sẽ nhận
thấy rõ hơn qua những sản phẩm audio và video có phần đóng góp tài nghệ
của anh hoặc trong những “live show” có sự xuất hiện của anh, chẳng hạn
như trong chương trình “Nhạc Hội Mùa Thu 2006” diễn ra tại Montreal vào
ngày 14 tháng 10 tới đây cùng với nhiều nghệ sĩ tên tuổi khác.
Trường Kỳ
No comments:
Post a Comment