Tối thứ hai ngày 22 tháng 2, chị Yến Tú Quỳnh gọi báo tin nói anh Trần Đình Bình vừa mất khoảng vài tiếng, dẫu biết sức khỏe anh rất kém thời gian sau này, nhưng tôi vẫn không thể tin Anh ra đi nhanh như cơn gió lốc. Mới gặp nhau vài tháng trước (13/10/2020) trong ngày nhà sách Tú Quỳnh họp mặt lần cuối với thân hữu, tay còn bắt chặt nhau, vậy mà giờ đây người đã về miền âm cảnh.
Anh Trần Đình Bình sinh ngày 15 tháng 12 năm 1942 tại Hà Nội và từ trần lúc 1g4 phút chiều ngày thứ hai 22 tháng 2 năm 2021 tại Quận Cam. Gia đình Anh có 9 anh chị em nhưng giờ chỉ còn lại 5 người: Ông anh lớn nhất, giáo sư Trần Văn Hóa hiện sống tại Melbourne (Úc), chị Bùi Trần Mùi ở Dallas (vợ ông Bùi Cẩm Thạch), em trai Trần Văn Thanh (còn gọi là Thanh AF, chủ nhân công ty gửi hàng về VN đầu tiên rất thành công ở Mỹ), em gái Nguyễn Trần Mỹ Phương, chủ nhân nhà hàng Kobe nổi tiếng ở thành phố Orlando, và cậu em trai út là Trần Đình Minh đang sống tại Houston.
Trần Đình Bình, một tên tuổi mà hầu như các nghệ sĩ Saigon không nhiều thì ít cũng đều có nhiều nợ ân tình với Anh, đó là những ngày giữ chức vụ Thiếu Tá Phụ Tá Trưởng Phòng Cảnh Sát Đặc Biệt Quận Nhì (Saigon).
Rời Việt Nam ngày 29 tháng 4/75, anh đến trại tỵ nạn Fort Chaffee (tiểu bang Arkansas) cùng với Thanh Thúy, Khánh Ly, Mai Lệ Huyền… Qua Mỹ, anh làm nhiều công việc liên quan đến báo chí, nghệ thuật, như làm tờ Việt Nam Ngày Nay (năm 1981), sau đó là chủ nhiệm tờ Thời Nay Hải Ngoại kéo dài cũng được 6 năm. Khoảng năm 1982, yêu văn nghệ, Trần Đình Bình cùng Mai Lĩnh, Đức Huy thực hiện tờ Hậu Trường Sân Khấu và sau đó là tờ Điện Ảnh có sự góp tay của Nguyễn Long, Hoài Điệp Tử, Hoàng Thi Thơ, Đức Huy…
Năm 1983, Trần Đình Bình còn bước sang lĩnh vực điện ảnh khi nhận lời mời tham dự đóng bộ phim Người Di Tản Buồn do bà Bác sĩ N.G.Q. bỏ vốn. Số tiền nghe đâu lên đến 70 hoặc 80 ngàn đô (thời 1983 số tiền này rất lớn). Anh đóng vai trò của một cán sự xã hội lo giúp đỡ cho đồng bào tỵ nạn mới từ đảo sang (do võ sư Hạ Quốc Huy và con trai đóng). Cũng thời gian này, anh Trần Đình Bình kết hôn cùng chị Nguyễn Vũ Hương và dành toàn thời gian chăm lo cho Đông Phương Restaurant, một nhà hàng nằm trên đường Beverly Hill vùng Los Angeles được rất nhiều khách hàng dưới vùng Santa Ana chạy lên thưởng thức các món ăn ngon do vợ anh nấu.
Nhưng những cuốn băng nhạc dưới nhãn hiệu Tú Phương do anh và phu nhân Nguyễn Vũ Hương thực hiện từ năm 1983 mới là những điều mà mọi người ngày nay còn nhớ đến nhiều nhất, khởi đi với cuốn số 1: Còn Tuổi Nào Cho Em, sau đó là những cuốn Yêu Một Ngày Nhớ Một Đời (Tiếng Hát Paolo), Hát Cho Ngàn Sau (nhiều ca sĩ nổi danh), Một Thoáng Hương Xưa (Lệ Thu – Tuấn Ngọc), Thương Ngày Tháng Qua, Tứ Quý Tứ Ca, Ngậm Ngùi (Tình Khúc Phạm Duy), Thương Tình Ca… Theo lời chị Yến chủ nhân nhà sách Tú Quỳnh, thì những cuốn băng Tú Phương bán rất chạy, bởi nhà sản xuất dám chi tiền xộp để mời cho bằng được các giọng ca tên tuổi “nặng ký” nhất thời đó như Thanh Thúy, Lệ Thu, Elvis Phương, Khánh Ly, Tuấn Ngọc, Duy Quang, Ngọc Minh, Hương Lan, Kim Anh, Lưu Hồng.. ngoài ra, tên tuổi của nhạc sĩ Duy Cường với tài hòa âm rất lạ có lẽ xuất phát từ thời điểm này, để rồi hơn một năm sau (1985), Trung Tâm Diễm Xưa của chị Thái Xuân ra đời với phần hòa âm Duy Cường vô cùng ăn khách đã để lại cho người yêu nhạc rất nhiều những tác phẩm để đời.
Cách đây tròn 31 năm, trong bài viết Những Giải Nhất Của Năm 1990, người viết đã chọn Vũ Thư, tác giả ca khúc Yêu Em Dật Dờ sống ở Seattle là người nhạc sĩ yêu vợ nhất, tuy nhiên sau này, giải thưởng trên đã được trao lại cho Anh Trần Đình Bình, người luôn thương yêu và chăm sóc bóng hồng Nguyễn Vũ Hương từ những ngày còn bóng dáng chị trên cuộc đời này. Tình yêu đang nồng say, thì một tai nạn xe cộ xẩy đến đã cướp đi mạng sống của chị Hương và cô con dâu tương lai vào ngày 4 tháng 1 năm 2008 đã khiến Anh như người rớt xuống đáy vực sâu, kể từ ngày oan nghiệt đó, tinh thần và sức khỏe của Anh tựa như chiếc đèn dầu lụn bấc cạn dần.. Mỗi tháng vài lần, anh vẫn luôn ghé nghĩa trang với những cánh hoa tươi thắm như ngày chị chưa rời khỏi thế gian. Đi đâu, trên xe của Anh, cũng có những tấm ảnh lớn nhỏ của chị. Mỗi khi nghe anh nhắc về kỷ niệm, người viết tưởng chừng những giọt nước mắt của người đàn ông đó sẽ rơi xuống. Ôi những giọt lệ tình nghĩa hiếm quý như ngày xưa Thanh Tâm Tuyền từng viết: “Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới”… Ôi còn đớn đau nào hơn thế khi tình phu thê kẻ âm người dương từ nay dành cách biệt .
Dưới đây là bài thơ “Hai Năm Nhớ Mình” được anh Trần Đình Bình sáng tác ngày 4 tháng 1 năm 2010, kỷ niệm 2 năm ngày rời bỏ cõi đời của chị. Mời bạn đọc thưởng thức:
HAI NĂM NHỚ MÌNH
Em đi thoảng đã hai năm
Hai năm đêm vắng trở trăn nhớ mình
Hai năm xa cách Hương Bình
Nhớ nhung không biết tìm mình nơi đâu
Em về mong gặp không lâu
Gối thơm ôm kín lòng sầu không vơi
Nhiều đêm thức dậy hỏi Trời
Buồn sao dâng mãi sống đời nghĩa chi
Nhìn em ảnh lệ ướt mi
Em buồn em khóc những gì dở dang
Em đi sao quá vội vàng
Hai năm gió thoảng ngỡ ngàng tưởng mơ
Âm dương hai cõi dật dờ
Bao đêm anh tưởng tới bờ tử sinh
Một năm cũng nghĩa cũng tình
25 năm đã chuyện mình như thơ
Hai năm đi dứng thẫn thờ
Tỉnh ra mới biết giây tơ đã lìa
Ngày đêm hai cõi cách chia
Em đi hồn ở chưa lìa bỏ nhau
Càng thương càng nhớ lòng đau
Buồn ra cõi vắng gặp nhau cõi hồn
Hè qua Thu sớm hoàng hôn
Nắng chiều khuất núi đồi hồng buồn thương
Xuống đồi giọt nắng còn vương
Nhìn qua kính hậu như Hương đứng chờ
Tình mình đẹp tựa bài thơ
Người trong mới hiểu bến bờ yêu thương
Hai năm lệ vẫn còn vương
Nhớ mình kỷ niệm buồn thương dương trần
Hai năm không biết bao lần
Anh qua chốn cũ tần ngần không đi
Phố xưa cảnh cũ những gì
Vẫn còn như cũ, mình đi không về
Em ơi nhớ cảnh phu thê
Thiên đàng đảo quốc mải mê quên đường
Vắng mình trăm nhớ ngàn thương
Trần gian anh thấy vô thường chung quanh
Hai năm quanh quẩn mình anh
Hai năm nhớ lại nát tan cõi lòng
(Trần Đình Bình)
Biết rằng ghi lại bài này sẽ còn nhiều thiếu sót khi chưa nói hết về Anh, một người lúc nào cũng nở nụ cười với mọi người. Hôm nay, Anh đã về cõi xa, có lẽ niềm vui trùng phùng với vợ sẽ là niềm vui lớn nhất của Anh trong đời. Kính chào vĩnh biệt Anh Trần Đình Bình, một con người dễ mến và cũng là chủ nhân của gần 10 tác phẩm băng nhạc Tú Phương rất giá trị của những ngày đầu xứ người giữa thập niên 80.
Trần Quốc Bảo
(26/2/2021)
No comments:
Post a Comment