Dĩa hát Hoành Sơn đầu tiên xuất hiện vào đầu thập niên 1950 đã làm chấn động một thế hệ của những người yêu thích cổ nhạc thời bấy giờ.
Thế nhưng, lúc mới ra đời dĩa hát Hoành Sơn đã phải trải qua một giai đoạn đầy cam go, một thực tế phũ phàng, bất ngờ mà không ai có thể tiên đoán trước được. Thật vậy, nếu như chủ hãng dĩa hát Hoành Sơn không phải là ông Ba Bản, một nhà tư bản vừa có nhiều tiền, lại vừa quyết tâm không nản lòng vượt mọi trở ngại, chắc rằng dĩa Hoành Sơn đã chết ngay trong giai đoạn đầu rồi, làm gì có mặt để đi vào lịch sử cải lương. Nói một cách khác, nếu như ai đó mà dấn thân vào địa hạt đĩa hát để làm ăn ở thời kỳ này thì từ chết tới bị thương, chắc rằng sẽ bỏ cuộc, tiêu tan sự nghiệp một cách dễ dàng.
Khoảng năm 1947-1948 ông Ba Bản trúng thầu mở con đường Quốc Lộ 14 từ Bến Cát, Thủ Dầu Một, đi Ban Mê Thuột. Theo lời ông Ba Bản, khi con đường làm xong, ông lời hơn 200 triệu đồng tiền Ðông Dương. Một người đang có tiếng là giàu có với ruộng đất cò bay thẳng cánh, mà lại lời số tiền quá lớn vào thời điểm đó. Tiền vô nhiều quá chưa biết làm gì, sẵn có máu cải lương trong người, ông quyết định đem kịch bản do ông sáng tác với tên “Ngày Về Cố Quận” thực hiện dĩa hát. Ông gởi mua từ bên Nhựt một máy thu thanh đời mới nên âm thanh rất tốt, tiếng ca trong trẻo. Ðồng thời bỏ tiền ra cho Út Trà Ôn ký giao kèo để độc quyền thu thanh tiếng ca của Cậu Mười.
Thế nhưng, mới vừa bước vào nghề đã gặp phải cam go, chớ đâu có dễ dàng như trong ý nghĩ của một nhà đại tư bản, nhưng lại chưa từng làm thương mại. Trở ngại đầu tiên là sau khi cho Út Trà Ôn và Kim Anh thu thanh xong, ông Ba Bản đến gặp ông Ngô Văn Mạnh, chủ nhân hãng dĩa Asia ở đường mé sông Chợ Quán, mà về sau mang tên Bến Hàm Tử. Ông thương lượng đặt làm dĩa hát, bởi lúc bấy giờ toàn cõi Ðông Dương chỉ duy nhứt có hãng Asia là có máy làm dĩa hát mà thôi. Ông Mạnh trả lời: “Vậy là ông đạp trên chân của tôi rồi”! Và dĩ nhiên là từ chối hợp tác.
Thế là ông Ba Bản chỉ có cách gởi qua Pháp mướn in dĩa mà thôi, chớ không còn cách nào khác. Ðợt đầu một ngàn bộ dĩa “Ngày Về Cố Quận,” tức 3,000 dĩa hát gởi về thì một bất ngờ xảy ra, ông Ba Bản đến các nhà buôn dĩa hát gởi bán thì chẳng nhà buôn nào chịu nhận bán, đi các tỉnh cũng thế, đến đỗi lên tới Nam Vang bên Miên gởi bán cũng bị từ chối luôn. Tại sao vậy? Duyên cớ nào mà hầu hết các tiệm buôn đã nhứt nhứt khước từ?
Vấn đề xin nói rõ một chút để quí vị cùng hiểu sơ qua về sự buôn bán dĩa hát khi xưa diễn ra như thế nào, mà bà con ta từ thành thị đến thôn quê cũng đều được nghe máy hát dĩa.
Số là ông Ngô Văn Mạnh nguyên là thợ làm nghề ép giày cao su, ông có người em rể từng học nghề làm dĩa hát tại Pháp, đã khuyến khích hướng dẫn ông mua lại máy thu thanh và khuôn ép dĩa đồ cũ của hãng Pathé bên Ðức loại ra, rồi mang về Việt Nam dựng lên một hãng dĩa lấy tên Asia. Tuy rằng dụng cụ máy móc mua đồ cũ, nhưng “cũ của người ta, mới của mình,” hãng dĩa Asia của ông Năm Mạnh một mình một chợ khỏi phải cạnh tranh, sản xuất dĩa hát bán ra đều đều.
Vào thời thập niên 1930-1940 ở Chợ Lớn, đường Huỳnh Thoại Yến ở trước chợ Bình Tây là bến xe đò, nơi đây có khoảng 5, 6 tiệm buôn chuyên bán máy hát quay dây thiều và dĩa hát. Và hầu hết các tỉnh trên cả nước, tỉnh nào cũng có một tiệm tạp hóa kiêm luôn mặt hàng dĩa hát. Những tiệm buôn này là đại lý dĩa hát Asia, khi một bộ dĩa hát mới được ra đời, thì hãng Asia phân phối cho tất cả các tiệm buôn nói trên.
Ông Ngô Văn Mạnh sau khi từ chối hợp tác in dĩa hát cho ông Ba Bản thì âm thầm theo dõi và biết rõ phần thu thanh của Hoành Sơn đã được gởi sang Pháp làm dĩa. Biết gặp phải một địch thủ nặng ký, vượt trội hơn mình về âm thanh, do bởi máy thu thanh của Hoành Sơn là loại mới, mà máy thu thanh Asia của ông là mua “ve chai” lại trải qua hơn cả chục năm rồi. Nếu như dĩa Hoành Sơn mà được tung ra thị trường thì sẽ “ăn bứt” dĩa Asia về âm thanh của bản vọng cổ, tức nhiên sẽ được bà con ủng hộ hơn. Do vậy nên ông Mạnh đã đối phó bằng cách cảnh báo tất cả các nhà buôn dĩa hát thuộc hệ thống phân phối của Asia rằng: “Nếu như nhà buôn nào mà nhận bán dĩa hát Hoành Sơn thì sẽ bị cúp phân phối dĩa hát Asia.” Do đó mà tiệm buôn nào cũng từ chối bán dĩa Hoành Sơn mới chào đời.
Theo Ngành Mai (Báo Người Việt)
Dĩa Hát Hoành Sơn
Đây là Blog sưu tầm, hệ thống tư liệu về danh mục (list băng dĩa nhạc) và hình ảnh các chương trình nhạc Việt Nam được phát hành trong và ngoài nước qua các thời kỳ. Trong khả năng hạn hẹp, mục đích của chúng tôi nhằm lưu trữ, chia sẻ thông tin cùng những người yêu âm nhạc Việt và sưu tập băng dĩa nhạc, qua đó góp phần nhỏ vào sự bảo tồn một phần văn hóa Việt.
Tất cả các liên kết ngoài (nếu có) và hình ảnh bìa băng dĩa nhạc được tìm kiếm từ Internet qua hảo tâm chia sẻ công khai với cộng đồng mạng của những nhà sưu tập sở hữu chúng. Những tập tin nhạc dạng MP3 có thể nghe tại đây được nhúng từ các kênh âm nhạc Official trên Youtube...Blog không sở hữu hình ảnh cover, không upload bất kỳ tập tin âm thanh nào tại đây cũng như không có mối liên hệ với các website và host chứa tập tin. Nếu quý vị có căn cứ xác định quyền sở hữu của các tập tin trong liên kết, vui lòng thông báo DCMA trực tiếp đến các website chứa các tập tin âm thanh đó.
Blog không kinh doanh các sản phẩm âm nhạc và không có các file nhạc chia sẻ nên quý vị vui lòng không liên hệ hỏi mua bán băng dĩa hoặc xin link tải. Blog cũng xin phép không hồi đáp những yêu cầu trên!
Chúng tôi hoan nghênh việc bạn mua các album gốc, folow, like và subscribe theo dõi các kênh Youtube chính thức của các trung tâm phát hành. Việc ủng hộ bản quyền giúp nhà phát hành đủ khả năng tái tạo những sản phẩm tinh thần hấp dẫn hơn, đa dạng hơn, phục vụ công chúng. Chúc quý vị nhiều sức khỏe, thành công và xin chân thành cảm ơn đã ghé thăm!
No comments:
Post a Comment