-
This is default featured slide 1 title
Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.This theme is Bloggerized by NewBloggerThemes.com.
-
This is default featured slide 2 title
Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.This theme is Bloggerized by NewBloggerThemes.com.
-
This is default featured slide 3 title
Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.This theme is Bloggerized by NewBloggerThemes.com.
-
This is default featured slide 4 title
Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.This theme is Bloggerized by NewBloggerThemes.com.
-
This is default featured slide 5 title
Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.This theme is Bloggerized by NewBloggerThemes.com.
Nhạc Sĩ Lã Văn Cường (1957 - 2024)
Trình Diễn Nhạc Trẻ Tưởng Niệm Nhạc Sĩ Vũ Xuân Hùng (1945-2024)
Lời Việt cho nhạc ngoại là một lĩnh vực mà Vũ Xuân Hùng đã góp phần không nhỏ. Ông là một trong những nhạc sĩ có ảnh hưởng lớn trong việc dịch và viết lại lời bài hát ngoại quốc sang tiếng Việt, giúp mang những ca khúc nổi tiếng của thế giới đến gần với khán giả Việt Nam.
Vũ Xuân Hùng không chỉ đơn thuần dịch từ nguyên bản sang tiếng Việt mà còn có khả năng tái hiện lại cảm xúc và ý nghĩa của bài hát theo cách riêng của mình, từ đó tạo ra những phiên bản mới, phong phú và sâu sắc hơn đối với người nghe Việt Nam.
Những bản dịch và lời Việt của Vũ Xuân Hùng không chỉ được yêu thích bởi sự chính xác về ngôn ngữ mà còn vì khả năng tinh tế trong việc chọn từ và sắp xếp cú pháp để phản ánh chính xác ý nghĩa và tinh thần của bản gốc. Điều này đã giúp tăng thêm sức hút và sức lan tỏa của âm nhạc quốc tế tại Việt Nam.
(Cover Nhạc Việt)
Nhà Văn, Nhạc Sĩ Nguyễn Đình Toàn (1936-2023)
Thi sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn qua đời tối 28-11 tại bệnh viện Fountain Valley, California hưởng thọ 87 tuổi.
Ông nổi tiếng với các tác phẩm Chị Em Hải, Giờ Ra Chơi, Con Đường, Áo Mơ Phai ... (trước 1975).
Ông cũng còn là một nhạc sĩ nổi tiếng với vài tác phẩm để đời, như "Tình Khúc Thứ Nhất" viết chung với nhạc sĩ Vũ Thành An, "Em Đến Thăm Anh Đêm 30" viết chung với nhạc sĩ Vũ Thành An, "Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên"và "Căn Nhà Xưa" ...
Ngoài ra trước 1975, Nguyễn Đình Toàn cũng rất nổi tiếng, rất được yêu chuộng trong chương trình "Nhạc Chủ Đề" trên đài phát thanh Sài Gòn với các bài đọc dịu êm và một giọng Bắc rất được yêu chuộng của ông.
Một vài băng nhạc, CD nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Nhạc Sĩ Y Vũ (1940 - 2023)
Sau một thời gian chống chọi với bệnh tật, nhạc sĩ Y Vũ qua đời lúc 4h sáng ngày 28-9-2023 tại nhà riêng, hưởng thọ 84 tuổi. Trước đó, ông đã có thời gian điều trị tại bệnh viện.
Nhạc sĩ Y Vũ tên thật là Trần Gia Hội. Ông sinh năm 1940 tại Hà Nội. Ông là em của nhạc sĩ Y Vân.
Từ năm 1954, cố nhạc sĩ cùng gia đình vào Nam sinh sống. Có nhiều ca khúc gắn liền với tên tuổi của ông như: Tôi đưa em sang sông, Kim, Điên, Hận, Ngày cưới em, Kỷ niệm chúng mình, Những tâm hồn hoang lạnh…
Linh cữu cố nhạc sĩ được quàn tại chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3, TP.HCM). Theo cáo phó, lễ nhập quan lúc 15h ngày 28-9. Lễ động quan lúc 11h ngày 30-9. Sau đó, linh cữu được đưa đi hỏa táng tại Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TP.HCM).
MỘT NÉN NHANG CHO NHẠC SĨ Y VŨ
Thi sĩ Bùi Chí Vinh
Tin nhạc sĩ Y Vũ tạ thế đến với tôi thật bất ngờ. Tôi quen ông trong hoàn cảnh lưu vong gặp lưu lạc. Năm 1981 sau khi rời khỏi quân lao H39 tôi tao ngộ ông tại một quán cóc liêu trai dưới chân cầu Công Lý, trước nhà chị Đông Phương Huệ. Lúc đó tôi đạp xích lô và ông bán ve chai.
Tôi cực kỳ ngạc nhiên về Y Vũ, em trai nhạc sĩ Y Vân khét tiếng. Trong khi người anh trai kín đáo quý phái bao nhiêu thì ông giang hồ bạt tụy bấy nhiêu. Ông dám đi bán ve chai cùng với các dị nhân văn nghệ thuở ấy như Nguyễn Ước, Phan Trần Hoạt, Phù Hư, Sơn Quăn, Ngô Tá Tích.
Mọi người cần biết ve chai không chỉ là những thần dân buôn dạo “răng vàng, bạc vụn, gọng kiếng, đồ cổ” mà có hẳn một vương quốc đàng hoàng. Trong vương quốc ấy có Đại Đế phân nhiệm mỗi ngày, có các Đầu Lĩnh, Công Chúa, Hoàng Tử họp mặt chia địa bàn ngay đầu chợ. Và Y Vũ cũng là một Đầu Lĩnh có số má chứ sao. Đầu Lĩnh Y Vũ cũng đã sáng tác một bài nhạc về ve chai truyền khẩu cho các thần dân xả stress khi… ăn nhậu. Tôi đã từng nghe Công Chúa Kim Hoa Bà Bà hát bài đó vô cùng độc đáo.
Trở lại lần đầu tiên gặp nhau, Y Vũ hết hồn khi tôi dựng chiếc xích lô tại quán cóc nhảy xuống cụng ly đế với ông. Chớ gì nữa, trong thâm tâm Y Vũ cứ tưởng thằng em Bùi Chí Vinh đoạt giải thưởng Văn Học TPHCM về thơ năm 1976-1977 là một cán bộ cấp chức nào đó, chứ ai dè đạp xích lô bụi bặm. Mặc kệ, chỉ biết hai anh em say một bữa đã đời rồi tôi làm bài thơ VE CHAI HÀNH tặng ông và ông đáp lễ bằng cách ôm ghi-ta chơi bài NGÀY CƯỚI EM não nùng tới bến. Bài NGÀY CƯỚI EM chớ không phải bài TÔI ĐƯA EM SANG SÔNG phổ biến.
Coi, chàng nhạc sĩ tên thật là Trần Gia Hội sinh năm 1940 tại Hà Nội còn đụng độ tôi nhiều lần sau này tại quán ARNOL. Tại Arnol, thỉnh thoảng “xu hào rủng rỉnh mán ngồi xe” trong túi, tôi thường đến chơi để coi ông đệm đàn cho các ca sĩ một thời vang bóng. Chơi xong ông xuống cụng ly với tôi “tiêu sái một vài chung lếu láo” cùng ôn lại thời ve chai mưu sinh thoát hiểm của mình. Giờ thì Y Vũ đã về sum họp bên kia thế giới cùng nhạc sĩ Y Vân, hai anh em có nhạc hiệu bắt đầu bằng chữ Y, theo tôi nghĩa là YÊU bất tận. và tôi cũng yêu cuộc đời ông, thưa ông Y Vũ.
Yêu ông bằng cách chép lại bài thơ VE CHAI HÀNH thay một nén nhang tống tửu chàng đầu lĩnh một thời ngang dọc…
BÙI CHÍ VINH
VE CHAI HÀNH
Anh em ta đi bán ve chai
Thằng thì chột mắt, đứa cụt tay
Râu tóc để lâu thành võ hiệp
Tráng sĩ mà ưa nhắm thịt cầy
Thực ra anh em ta đẹp trai
Không đẹp trai sao bán ve chai
Cái nhìn giá trị ngang vàng xịn
Con mắt nheo là hốt tiền xài
Ê, vua quan cũng đói dài dài
Bởi vì không biết bán ve chai
Tô Tần miệng lưỡi xem còn kém
Gã Kissinger cũng ớn tài
Mà thiên tài hay họa thiên tai
Tiếng gào mưa nắng chợ ve chai
Buổi trưa gân cổ dường như đắng
Cốc rượu chửa vơi đã rót đầy
Nước mắt ứa ra cơ hồ cay
Nưóc cay thành đế nhậu lai rai
Anh em ta đọc thơ sang sảng
Bài thơ buồn như đời ve chai
Anh em ta lại bán ve chai
Thằng thì cưỡi gió, đứa đạp mây
Chân không mà ngỡ đi xe đạp
Áo mão đầy hai túi xách tay
"Tiền cũ, tiền xưa, tiền tỉ đây...
" Tiền nhiều ắt nặng cả hai vai
Thương Cao Bá Quát đời luân lạc
Mượn giang hồ mà tởm cân đai
Gặp nhau không cần coi lịch ngày
Ai đội mũ rơm, chân mang hài
Lại đây cùng uống quốc doanh tửu
Gặm đậu phộng rang mà nghe say
Liêm sỉ nằm trong túi xách này
Còn tiền, du đãng cũng bô trai
Đàn bà, con gái còn đi ngựa
Huống hồ ta chỉ bán ve chai...
BCV
Nhạc Sĩ Quốc Dũng (1951-2023)
Danh Tiếng Chỉ Là Số Mệnh
(Bài viết của NS Tuấn Khanh)
Buổi chiều 24 Tháng Chín, gia đình của ca sĩ nhạc sĩ Quốc Dũng cho hay, ông đã lặng lẽ ra đi vào buổi trưa, sau những ngày tháng bệnh tật, suy yếu.
Nhạc sĩ Quốc Dũng là một trong những nhân tài đặc biệt của thế hệ vàng nhạc trẻ miền Nam Việt Nam. Cùng lứa với ông là Bảo Chấn, Đức Huy, Nam Lộc… cũng sắp bước qua thập niên 70 của đời người. Nếu còn sống, thì Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang cũng đã 77, 76 tuổi.
Nhiều năm nay, những người yêu mến di sản văn hoá miền Nam đã đón nhận quá nhiều tin buồn, nên tin về sự ra đi của nhạc sĩ Quốc Dũng như thêm một tiếng chuông điểm lặng lẽ vào khoảng không gian phải đến, trong sự nuối tiếc khó tả.
Tiểu sử của ông có ghi tên đầy đủ là Nguyễn Quốc Dũng, sinh năm 1951 tại Thái Lan. Năm 1954, khi Quốc Dũng ba tuổi, gia đình ông về nước. Năm 10 tuổi, Quốc Dũng vào học tại trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn; năm 16 tuổi ông tốt nghiệp thủ khoa môn nhạc pháp Tây phương. Sau khi đỗ Tú tài 2, Quốc Dũng vào học tại Viện Đại học Vạn Hạnh.
Tuy nhiên, những cột mốc đó không tả hết được những dữ kiện sôi động và khuynh hướng phá cách trong đời của ông. Năm 1975, nhạc sĩ Quốc Dũng chọn ở lại quê nhà, vì theo tinh thần Phật giáo, ông chọn sống theo số mệnh. Sự có mặt của ông sau đó, đã góp sức vực dậy tinh thần của các anh em Lê Hựu Hà, Bảo Chấn… khi cùng tham gia các đoàn biểu diễn đi về thôn quê, tìm vui trong âm nhạc.
Cũng từ các chuyến biểu diễn đó, ở Cần Thơ, Lê Hựu Hà và Quốc Dũng lần đầu phát hiện hai tiếng hát định mệnh của đời mình là ca sĩ Nhã Phương và Bảo Yến. Lê Hựu Hà từng tìm lại được nguồn cảm hứng với tiếng hát Nhã Phương, làm dậy sóng đời sống âm nhạc Việt Nam qua các ca khúc như Ngỡ Đâu Tình Đã Quên Mình, Trả Hết Cho Người… còn với Quốc Dũng khi kết hợp với Bảo Yến đã tạo nên những cơn sốt với thị trường âm nhạc, vốn đang đầy những định kiến và kiểm duyệt khe khắt.
Năm 1986, phối hợp với nhạc sĩ Hoàng Phương, Quốc Dũng cho ra mắt một album bị coi là “lậu”, vì không qua kiểm duyệt, với tiêu đề Chiều Hạ Vàng, toàn bộ với tiếng hát Bảo Yến.
Thời đó, mọi công cụ ghi âm và phòng thu của Sài Gòn cũ đều bị quản lý chặt. Nhạc sĩ Hoàng Phương kể rằng ông đã cho thử đi duyệt nhưng bị nhiều cơ quan văn hoá chối, coi là lời lẽ và loại âm nhạc này mang hơi hướng “văn hoá đồi trụy”. Nên sau khi bàn bạc với nhạc sĩ Quốc Dũng, hai người quyết định thực hiện nhạc nền và cho thu tại nhà với những dụng cụ mà nhạc sĩ Quốc Dũng tìm được.
Rất nhiều người ngạc nhiên vì âm thanh trống đàn của băng nhạc này rất hiện đại (lúc đó, trống điện tử còn rất hiếm ở Việt Nam), nhạc sĩ Quốc Dũng cười bí hiểm và tiết lộ sau đó nhiều năm: Ông vô tình phát hiện cây đàn cho trẻ con Yamaha PSR-480, lúc đó lại tích hợp những âm thanh cần thiết, nên đã dùng vào ghi âm cho album này. Mọi thứ lúc đó chỉ thu vào băng cassette gốc rồi giao cho nhạc sĩ Hoàng Phương đi sang “lậu” bên ngoài.
Thời đó, chưa có hệ thống phát hành, cũng không biết làm sao để thể nghiệm với người nghe. Nhạc sĩ Hoàng Phương nhờ vào sự quen biết của mình, xin rạp hát Chiến Thắng ở Gò Công phát trước và sau giờ chiếu phim để thử phản ứng khán giả. Chuyện thú vị xảy ra, dân chúng không nhớ phim chiếu, mà nhớ các bản nhạc được phát, thậm chí có người còn đến trước rạp đứng nghe nhạc phát qua loa phóng thanh và hỏi nhạc gì, của ai. Đó là giai đoạn mà âm nhạc trong nước chỉ chủ trương ca hát về lao động sản xuất, ca ngợi lãnh tụ và “đất nước đổi mới”…
Giai điệu và lời hát ngọt ngào của ca sĩ Bảo Yến, cùng cách tổ chức của nhạc sĩ Quốc Dũng đã khiến loạt bài hát Gò Công như Chiều Hạ Vàng, Mẹ Gò Công, Thương Một Người Ở Xa, Chuyện Tình Hoa Muống Biển… như dòng nước mát rót vào đời sống đang tha thiết mong được thưởng thức thật sự.
Ca sĩ Bảo Yến từng tâm sự rằng “Băng nhạc Gò Công đó đã biến tôi từ một ca sĩ vô danh tiểu tốt thành ngôi sao nổi tiếng. Khán giả bất ngờ khi lâu lắm mới được nghe băng nhạc Bolero trữ tình hay đến thế nên thích, tên tuổi tôi nổi như cồn. Từ đó, tôi đi show tỉnh nhiều quá trời. Trước đó, tôi chỉ hát ở thành phố, thu nhập cũng có nhưng không nhiều như đi tỉnh. Nếu không có anh Quốc Dũng, tôi chỉ nổi tiếng được phần nào thôi, nhờ anh ấy mà tôi được chắp cánh nổi đình đám”.
Sự kiện băng nhạc Gò Công lan ra mọi miền, đi theo trên những chuyến xe đò tỉnh xa, đến những vùng quê nghèo miền Trung, rồi miền Bắc. Dần dà, vì thấy album này nổi tiếng quá, mà “không có gì vi phạm” nên các đài phát thanh, đài truyền hình cũng bắt đầu sử dụng theo.
Có lần tán gẫu với nhạc sĩ Quốc Dũng, hỏi về album này, ông cười và nói rằng không thể có lần thứ hai. Quả là trong dòng lịch sử không được ghi chép của âm nhạc những ngày tháng đó, chuyện đam mê, cộng với tuổi trẻ bất cần, thích “vượt rào” để làm chuyện mình thích chỉ có thể đến một lần.
Cuối thập niên 1990, nhạc sĩ Quốc Dũng từ chối mọi công việc, và chọn lui về cuộc sống sáng tác riêng bỏ ngăn kéo, để con mình và vợ hát chơi. Những bài hát của ông trầm lắng hơn, thế sự hơn và đầy những điều bất cập lẽ đời.
Chẳng hạn, trong bài Ông Lão Và Con Chó Ngoan, ông viết về một người già mù và con chó sống nơi hè phố, cái nhìn chia sẻ và đau xót cho những tháng ngày họ sống nương tựa vào nhau.
“Ông gác tay gối đầu
Trên tấm chăn cũ nhàu
Con chó như biết sầu
Lặng nằm bên ông ngước trông trời cao”
Hoặc quay về với những âm hưởng của Phượng Hoàng, sự yên lặng của căn cội Phật giáo trong ông, như bài Giấc Mơ Việt Nam.
“Rồi tôi lạc bước đến nơi xa vời.
Bầy thú dữ đi bên bầy nai,
Cạnh con suối lung linh màu xanh núi đồi.
Và tôi đã đến khắp năm châu.
Và đã sống giữa bao thương yêu,
Mọi người biết sớt chia niềm vui nỗi sầu”
Nhiều tờ báo trong nước khi đến phỏng vấn nhạc sĩ Quốc Dũng – khi ông trả lời hoặc từ chối – thì thấy ông cười hiền, nên mô tả ông là người “hiền lành, nhỏ nhẹ, dễ gần, hoà đồng…” nhưng thật ra, Quốc Dũng “thật” là một tính cách sắc sảo, hài hước và chọn lọc mối quan hệ. Ông không dễ kết bạn, cũng không dễ nói suy nghĩ của mình cho người ngoài biết.
Quốc Dũng không nhận mình là một người nổi tiếng. Ông nói, danh vọng đến với ông là số mệnh, vì có nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ tài hoa hơn ông, nhưng họ không nổi tiếng. “Không phải được danh tiếng là có tất cả”, ông nói, khi điểm lại sự nghiệp của mình từ năm 17 tuổi, lúc làm giới văn nghệ Sài Gòn ngỡ ngàng với ca khúc Em đã thấy mùa xuân chưa.
Trong một lần đến nhà nhạc sĩ Quốc Dũng, thấy ông đang ngồi xem chương trình ca nhạc một mình trước tivi. Đó là loại chương trình ca nhạc thời thượng quen thuộc. Tôi ngạc nhiên hỏi sự kiên nhẫn của ông, “Anh coi những chương trình này sao, toàn lặp đi lặp lại”. Nhạc sĩ Quốc Dũng quay sang nhìn tôi, ánh mắt thú vị “Hay chứ, coi đi em, chương trình hay mà”.
Nể lời ông, tôi ghé vào ngồi coi, được dăm ba bài thì mất kiên nhẫn đứng dậy. “Hôm nào anh có thời gian, phân tích cho em biết coi cái hay của loại chương trình này nha”. Nhạc sĩ Quốc Dũng lúc đó bật cười sảng khoái “Hay chứ, làm kỳ cục như vậy mà họ vẫn làm được, là họ hay hơn mình rồi”. Có những lúc như vậy, mới biết Quốc Dũng thú vị đến chừng nào.
Tạm biệt nhạc sĩ Quốc Dũng, người nhạc sĩ tài hoa, người suốt cuộc đời sống với đam mê, và ra đi yên lặng, như bóng cổ thụ trải bóng mát sâu rộng, nhưng ít khi chịu kể chuyện đời mình.
Nhạc Sĩ Đan Thọ (1924-2023)
Nhạc sĩ Đan Thọ, tác giả nhạc phẩm nổi tiếng “Chiều Tím” (phổ thơ Đinh Hùng), vừa qua đời ngày 4-9-2023 tại thành phố Houston, tiểu bang Texas, thọ 99 tuổi.
Bản cáo phó của gia đình cho biết nhạc sĩ Đan Thọ tên đầy đủ là Đan Đình Thọ, sinh ngày 21 Tháng Sáu, năm 1924, tại Hà Nội, Việt Nam. Nhạc sĩ Đan Thọ có bốn người con, một trai và ba gái, con dâu, con rể, các cháu nội, ngoại và nhiều chắt.
Tang lễ của cố nhạc sĩ sẽ được tổ chức trong hai ngày 17 và 18-9-2023 tại Chapel of Eternal Peace at Forest Park, số 2454 S Dairy Ashford Rd., Houston, TX 77077.
----------------
DU TỬ LÊ VIẾT VỀ ĐAN THỌ
...Nhạc sĩ Đan Thọ sinh năm 1924 tại Nam Định. Ông sở trường Violon và Saxophone Tenor. Từ năm 1936 tới 1942, ông học chữ và nhạc tại trường Thầy Dòng Saint Thomas d’ Aquin (Nam Định). Thầy dạy violon là Frère Maurice. Sau đấy, từ năm 1942 tới 1945, ông học hòa âm, và sáng tác với giáo sư Tạ Phước cùng Vũ Đình Dự. Ngay trong năm 1945, ông đã được mời chơi đàn violin tại phòng trà Thiên Thai của nhạc sĩ Hoàng Trọng (Nam Định). Từ năm 1948 tới năm 1954 ông gia nhập Ban Quân Nhạc Đệ Tam Quân Khu Hà Nội cùng với các nhạc sĩ Nguyễn Túc, Nhật Bằng, Văn Phụng, Nguyễn Khắc Cung, Nguyễn Cầu, Nguyễn Hiền…
Hai nhạc phẩm đầu tay của ông (sáng tác chung với cố nhạc sĩ Nhật Bằng), nhan đề “Bóng Quê Xưa” và “Vọng Cố Đô” sáng tác năm 1952. Năm 1956, ở Saigon, ông trở lại học thêm về kèn Saxophone với Quân-Nhạc- trưởng Schmetzler và nhạc sĩ Phi Luật Tân Mano Umali. Năm 1954 tới 1956, khi ban quân nhạc di cư vào Nha Trang, ông sáng tác ca khúc bất tử “Tình Quê Hương…
Năm 1956 và 1961, với tư cách Trưởng Ban Nhạc Nhẹ của Đài Phát Thanh Tiếng Nói Quân Đội ông được cử vào phái đoàn nghệ sĩ của miền Nam, đi trình diễn tại Bangkok và Manila.
Như một số nhạc sĩ cùng thời với mình, hằng đêm, nhạc sĩ Đan Thọ trình diễn ở nhiều phòng trà, vũ trường… Ông cũng thu thanh tiếng đàn vĩ cầm của ông cho các đài phát thanh và, vô tuyến truyền hình quốc gia.
Được con bảo lãnh qua Hoa Kỳ, tháng 3 năm 1985, ông có nhiều năm định cư tại miền Nam California. Trước khi di chuyển về lại thành phố New Orleans và, hiện nay là Houston, Texas.
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer. Bên cạnh đó, ông còn có thêm một thú vui êm đềm khác là nuôi chim hoàng anh.
Bản chất vốn chí tình, cởi mở với bằng hữu, tác giả “Chiều Tím” không ngần ngại truyền thụ nghệ thuật nuôi chim hoàng anh, cho bất cứ ai có ý muốn bước vào thú nuôi chim tại nhà, nhẹ nhàng kia. Hơn thế nữa, để khuyến khích, ông cũng sẵn sàng tặng cho bằng hữu, những cặp chim hoàng anh tốt nhất, ra đời từ “trại hoàng anh tại gia” của ông. (3)
Tôi không biết tác giả “Tình Quê Hương” có tìm thấy mối tương quan nào chăng giữa tiếng hót của chim hoàng anh và, tiếng vĩ cầm sớm đi vào ca khúc của ông? Nhưng, tôi trộm nghĩ, cách gì thì nơi thẳm sâu tâm hồn người nhạc sĩ tài hoa, nặng lòng với quê hương này, vẫn mãi là:
“… Chiều hỡi! Đàn nhớ mong nhau, tình thương bắc cầu
Người đi hướng nào? Tìm trong chiêm bao
Tóc bay dài, gió viễn khơi...”
Đan Thọ - Khi ‘chùm dây vĩ cầm’ nổi trôi theo vận nước lênh đênhBản chất tác giả “Tình Quê Hương,” là một người chọn cho mình một đời sống ngăn nắp, nghiêm chỉnh. Nhưng cũng như nhiều người khác, định mệnh cá nhân tức biệt nghiệp và, định mệnh chung của đất nước, tức cộng nghiệp, đã ném người nhạc sĩ tài hoa Đan Thọ vào những gập ghềnh thời sự gió bão!
Trong một bài phát thanh trên đài VOA vào trung tuần tháng 3 năm 2003, nhà báo Trường Kỳ đã ghi nhận khá đầy đủ về phần đời trôi nổi của nhạc sĩ Đan Thọ. Qua trích đoạn dưới đây, những người yêu mến dòng nhạc trữ tình của Đan Thọ, mới được biết thêm rằng, tác giả “Chiều Tím” không chỉ nổi tiếng như một vĩ cầm thủ mà, ông còn nổi tiếng với tiếng kèn saxo và nhạc Jazz nữa:
“Trong lãnh vực vũ trường, Đan Thọ là một trong những nhạc sĩ kỳ cựu nhất. Trước ngày đất nước chia đôi, ông đã từng với nhạc sĩ Nguyễn Túc trình diễn tại nhiều phòng trà ở Hà Nội. Vừa vào đến Sài Gòn, ông đã được mời cộng tác ngay với vũ trường ‘Grand Monde’ tức ‘Đại Thế Giới’. Năm 57 ông qua vũ trường Đại Nam cộng tác với ban nhạc gồm nhiều nhạc sĩ nổi tiếng.
“Đến năm 62, vì lệnh cấm khiêu vũ nên ban nhạc này đổi qua trình diễn nhạc Jazz với một thành phần gồm các nhạc sĩ nổi danh như: Văn Hạnh, Lê Văn Thiện và Huỳnh Anh. Đối với khán giả Việt Nam thời đó, trình diễn nhạc Jazz là một điều mới mẻ. Do đó ban nhạc của vũ trường Đại Nam đã lôi cuốn được rất nhiều người đến thưởng thức.
“Một thời gian sau ông về vũ trường ‘Croix Du Sud’, sau đó đổi tên là ‘Tự Do’. Tại đây ông cộng tác với các nhạc sĩ Hoài Trung, Hoài Bắc cùng với Lê Văn Thiện, Huỳnh Anh, Nguyễn Văn Thanh, Văn Ba, vv… Sau đó ông được giải ngũ vào năm 1969 để sang cộng tác với vũ trường Mỹ Phụng cho đến năm 72 và sau đó là phòng trà Bồng Lai.
“Tại miền Nam trước biến cố tháng 4 năm 75, trong rất nhiều năm, bóng dáng Đan Thọ với cây vĩ cầm hoặc với cây kèn saxo đã là một hình ảnh quen thuộc với những người lui tới các phòng trà và vũ trường về đêm (…)
“Sau năm 75, Đan Thọ cộng tác với ban nhạc của Đoàn Kịch Nói Kim Cương gồm trên 10 nhạc sĩ. Trong đó, ngoài ông, còn có những nhạc sĩ Xuân Tiên, Lâm Thoại Nguyên, Ngọc Chánh, Lê Văn Thiện, Phạm Văn Phúc, Đài Trang, Đặng Văn Hiền, vv… Ông từng cùng với Đoàn Kịch Nói Kim Cương ra Hà Nội trình diễn vào năm 1980 trong vòng một tháng với nhiều thành công tốt đẹp.
“Trong thời gian còn ở lại Việt Nam, ông đã cùng với ban nhạc này đi diễn ở nhiều nơi như Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết, vv… Cho đến năm 80 ông quyết định xin nghỉ. Có thể nói đúng hơn là nhạc sĩ Đan Thọ đã không còn tìm thấy được nguồn vui trong nghệ thuật sau khi ông ngưng cộng tác với đoàn Kim Cương vào năm 1980, để sau đó ông dành cả thì giờ của mình cho gia đình cùng với thú nuôi chim của ông và đã từng đoạt giải thưởng…”
Với những người bị kẹt lại Saigon, sau biến cố 30 tháng 4-1975, đều hiểu rằng, để có được một việc làm không thôi, khoan tới tới việc làm có dính dáng gần xa tới chuyên môn hay nghề cũ của mình, nó khó khăn không kém gì đường lên… trời…
Vậy mà tác giả “Tình Quê Hương” đã quyết định dứt bỏ công việc phù hợp hoàn toàn với nghề cũ của ông.
Cá nhân tôi cho rằng, đó là một quyết định liều lĩnh, can đảm. Phần nào, nói lên tư cách của người nhạc sĩ tài hoa này, trong thời điểm ngặt nghèo bi kịch của đất nước. Một chọn lựa không phải ai cũng có thể làm được, khi ở vị trí của ông.
“Tuy không còn đi lưu diễn nhưng Đan Thọ chưa có thể xa rời sân khấu. Mặc dù sống dưới những sự đổi thay của xã hội, nhưng thời gian này đối với ông có những kỷ niệm khó quên. Cùng với nhạc sĩ Cao Phi Long và một số nhạc sĩ khác như Trí, Hòa, vv…, ông được mời cộng tác với vũ trường Maxim’s ở trên lầu.
“Tại địa điểm này Đan Thọ và các nhạc sĩ trong ban đã khiến khán giả thích thú với nghệ thuật trình bầy loại nhạc Zigane, trong số có rất nhiều khán giả người ngoại quốc thuộc các nước xã hội chủ nghĩa. Đêm cuối cùng trước khi ngưng cộng tác với Maxim’s để ngày hôm sau rời khỏi Việt Nam, phái đoàn Hungary thường đến nghe ban nhạc của ông biểu diễn đã mang hoa lên tặng ông và hôm sau còn đến tận nhà ông tặng thêm, vì ban nhạc thường đàn bài ‘Danse Hongroise No 5’ của Brahms rất được người Hungary ưa thích…” (5)
Tôi trộm nghĩ, có dễ trong số những người yêu mến dòng nhạc trữ tình của nhạc sĩ Đan Thọ, cũng ít ai biết ngoài vĩ cầm, đã trở thành một thứ ID, thẻ nhận dạng tài hoa Đan Thọ, ông còn là một hảo thủ nhạc Jazz, một lãnh vực âm nhạc, tương đối xa lạ với người Việt thời trước tháng 4-1975.
Cũng nhờ tiếng saxo (trái tim đằm thắm nhất của nhạc Jazz) mà, nhạc sĩ Đan Thọ cùng gia đình, trên nguyên tắc, từ trại tỵ nạn, sẽ đi định cư tại vùng Hoa Thịnh Đốn, do hồ sơ bảo lãnh bởi em người bạn đời của ông thì, cuối cùng, ông đã được phái đoàn Mỹ cho ông đổi từ Washington DC về New Orleans, chiếc nôi nhạc Jazz của thế giới.
Tuy được New Orleans, quê hương nhạc Jazz chào đón, như một đứa con thương yêu trôi dạt tới từ bên kia Thái Bình Dương; nhưng vì nhớ bạn, nhớ không khí vũ trường, hai nhu cầu sinh hoạt tinh thần quan trọng một đời mình, cuối cùng nhạc sĩ Đan Thọ lại di chuyển về miền nam California.
Tại miền đất ấm này, người nhạc sĩ gương mẫu của gia đình, đằm thắm với bằng hữu, dù đã bước qua tuổi 60, vẫn ban ngày, đi làm, cuối tuần, cùng một số bằng hữu thân thiết từ thời Việt Nam, ông trở lại sân khấu với cây violin và saxo cho vũ trường Ritz của nhạc sĩ Ngọc Chánh.
Tiếng vĩ cầm cũng như saxo của ông, không chỉ làm thức dậy những kỷ niệm một thời Saigon của những khách chơi lịch lãm thuở xưa mà, còn trải những thảm hoa rung động, lắng xuống chiều sâu tâm hồn lớp khách trẻ nữa.
Năm 1995, nhạc sĩ Đan Thọ tuyên bố giải nghệ trong một buổi sinh hoạt văn nghệ đặc biệt tại Vũ trường Ritz. Ông cho biết, sự cống hiến một đời cho âm nhạc của ông, tới thời điểm đó là quá đủ. Tuổi tác, sức khỏe không cho phép ông “trụ” lâu hơn trên sân khấu, dưới ánh đèn màu.
Cuộc chia tay với sân khấu và ánh đèn của tác giả ca khúc “Tình Quê Hương” gây xúc động sâu xa cho hàng trăm tân khách. Khi màn nhung khép lại, bóng tối nhạt đi, chuyển dần sang ngày kế tiếp, một không khí bùi ngùi, bịn rịn đã diễn ra giữa người nhạc sĩ tài hoa và, các tân khách tưởng chừng không có phút chấm dứt!…!
Nhưng cùng lúc đó, ở một nơi khác, trong căn nhà ngăn nắp thuộc thành phố Garden Grove, có một người phụ nữ vẫn chong đèn đợi chồng về. Đó là người bạn đời của tác giả “Chiều Tím.”
Đan Thọ, “những hạt giống đất trời trong tâm hồn nhiều thế hệ.
Nhắc tới người phụ nữ mấy chục năm liên tiếp, chong đèn cuối khuya, đợi chồng - - Bà Đan Thọ, trong một bài viết về bà, cố nhà báo Trường Kỳ đã ghi nhận như sau:
“Nhớ lại khoảng thời gian dài hoạt động không ngưng nghỉ của người chồng nghệ sĩ, bà Đan Thọ cũng đã phải khâm phục sức làm việc của ông. Điều đó cũng đã chứng tỏ được sự thông cảm lớn lao của bà khi Đan Thọ dấn thân vào con đường phục vụ âm nhạc.
“Đáng ghi nhận hơn cả là thời gian ông còn ở Sài Gòn: ‘Chưa bao giờ ông ấy có mặt ở nhà trước 2 giờ sáng… Từ sáng cho đến 2 giờ đêm, ông ấy ở đâu chứ không ở nhà’. Với một vẻ âu yếm, bà nói thêm ‘Ông ấy muốn làm gì ông ấy cứ việc làm, nhưng mà 2 giờ tôi cứ ngồi đợi cửa. Không bao giờ tôi đi ngủ trước, mấy chục năm như vậy. Thành ra ông ấy đâu có dám đi đâu vì biết tôi ngồi đợi cửa mà!’ Lời kể của bà Đan Thọ.
“Một điều không ai ngờ là trong suốt quá trình hoạt động của Đan Thọ, hầu như chưa hề ai thấy mặt vợ ông tại vũ trường cũng như tại các đài phát thanh ông cộng tác. Hai vợ chồng nhạc sĩ Đan Thọ hiện đang hưởng những chuỗi ngày nhàn hạ, nương tựa nhau trong lúc xế chiều tại Houston với sự thường xuyên liên lạc hay gặp gỡ con cháu từ Tampa đến Houston.
“Khá nhiều bạn bè nghệ sĩ cùng thời với ông đã nhắm mắt xuôi tay. Riêng Đan Thọ còn đây trong những buổi chiều tím của cuộc đời. Chắc hẳn người nhạc sĩ lão thành đang mỉm cười mãn nguyện với những gì ông đã cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam, trong vai trò một nhạc sĩ sáng tác và nhất là một nhạc sĩ trình diễn bên cạnh cây vĩ cầm, giờ đây đã im tiếng. Còn chăng chỉ còn là vang vọng dư âm của những ngày xưa cũ…” (6)
Tôi vẫn nghĩ, nếu có những “im tiếng” hiểu theo nghĩa bặt tăm, như lẽ tự nhiên của một đời người thì, quanh đời sống ta, cũng có những “im tiếng” nghịch lý. Tôi muốn nói tới những trường hợp chính sự “im tiếng” về phương diện thực tế ấy, lại giúp cho những tiếng nói khác sáng lên. Đằm thắm hơn. Rực rỡ hơn. Ý nghĩa hơn. Và, vì thế, những tiếng nói khác đó, lại nhận được nhiều hơn, những biết ơn, từ phía đám đông: Những người đứng ở mặt bên kia của sự “im tiếng.”
Cụ thể, ta thấy sự “đi xa” của các nhạc sĩ Phạm Đình Chương, Trần Thiện Thanh, Trầm Tử Thiêng, Nguyễn Đức Quang v.v… khiến khi nghe lại sáng tác của họ, dường như ta thấy chúng hay hơn, cảm động hơn… Tâm lý này cũng đến với những người hôm nay, đọc lại thơ của những tên tuổi như Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Nguyên Sa, Mai Thảo…
“Trùng dây vĩ cầm” của chúng ta, khác hơn. Ông hiện còn và, có thể sẽ còn ở với những người yêu ca khúc của ông, nhiều chục năm nữa. Nhưng “Chiều Tím”, “Tình Quê Hương” là hai ca của ông, sẽ lấp lánh, ngọt ngào hơn, khi tiếng vĩ cầm của ông đã không còn vang dội đêm thâu…
Tôi nghĩ, nói tới thơ phổ nhạc là nói tới tính gắn bó giữa thi ca và âm nhạc, như một cặp song sinh có chung một định mệnh. Hầu như, các nhạc sĩ của chúng ta, chí ít cũng đôi lần tìm đến thi ca, như tìm đến người tình lý tưởng, trong định mệnh âm nhạc của đời họ.
Lại nữa, nếu có những bài thơ đã được một nhạc sĩ nào đó, soạn thành ca khúc thì, điều đó, không có nghĩa là sẽ không có một hay nhiều nhạc sĩ khác tìm đến, để thi triển võ công mình. Nhưng, vẫn theo tôi, lịch sử thơ phổ nhạc của chúng ta cũng cho thấy, có những bài thơ một khi đã trở thành ca khúc thì không còn một nhạc sĩ nào muốn tìm tới nữa. Nếu đó là một phối ngẫu tuyệt hảo giữa thơ và nhạc. Điển hình như không một nhạc sĩ nào còn muốn thi thố võ công của họ với “Ngậm Ngùi”! Khi lục bát Huy Cận đã bị Phạm Duy “chặn cửa”. Hoặc một “Chiều”, thơ 5 chữ của Hồ Dzếnh, “đã bị Dương Thiệu Tước, “chặn cửa”. Mộng Dưới Hoa” thơ 7 chữ của Đinh Hùng, đã bị Phạm Đình Chương… “Khóa sổ.”
Tại sao? Câu trả lời có dễ vì những kết hợp kia không chỉ đạt tới mức cao nhất của một hôn phối tuyệt hảo mà, mỗi nốt nhạc của những tài hoa vừa kể đã nhập được vào hồn riêng của từng con chữ thi ca.
Câu trả lời này, cũng giải mã phần nào sự ngừng chân, đứng lại của các nhạc sĩ khác trước “Tình Quê Hương” của Đan Thọ.
Đan Thọ phổ nhạc thơ, hoặc hợp tác với một thi sĩ để làm lời, vốn không nhiều. Nhưng nếu:
“Chiều tím chiều nhớ thương ai, người em tóc dài
Sầu trên phím đàn, tình vương không gian
Mây bay quan san, có hay?“Đàn nhớ từng cánh hoa bay, vầng trăng viễn hoài
Màu xanh ước thề, dòng sông trôi điLúc chia tay còn nhớ chăng?
“Ai nhớ... mắt xanh năm nào
Chiều thu soi bóng, nắng chưa phai màu
Kề hai mái đầu nhìn mây tím... nhớ nhau...“Chiều tím chiều nhớ thương ai, còn thương nhớ hoài
Đàn ơi nhắn dùm người đi phương nao
Nếp chinh bào biếc ánh sao...” (7)Cho thấy giai điệu đã choàng thêm nhiều vòng hoa lãng mạn cho gốc cây lãng mạn của ca từ (như thơ); đưa niềm thương nhớ tới những chân trời bát ngát hoa bay, cùng vầng trăng xa xôi và, dòng sông trôi đi, mang theo mọi hy vọng của lời thề nguyền lúc chia tay của đôi tình nhân… Thì ở ca khúc “Tình Quê Hương”:
“Anh về qua xóm nhỏ,
Em chờ dưới bóng dừa.
Nắng chiều lên mái tóc,
Tình quê hương đơn sơ.“Quê em nghèo, cát trắng,
Tóc em lúa vừa xanh.
Anh là người lính chiến,
Áo bạc màu đấu tranh .“Em mời anh dừng lại,
Đêm trăng ướt lá dừa,
Bên nồi khoai mới luộc,
ngát hương vườn ngâu thưa
Em hẹn em sẽ kể:
Tình quê hương đơn sơ“Mẹ già như chiều nắng,
Nhớ con trai chưa về,
Ruộng nghèo không đủ thóc
Vườn nghèo nong tằm thưa
Ngõ buồn màu hoang loạnQuê nghèo thêm xác xơ…” (8)
Lại hiến tặng cho người nghe một giai điệu thiết tha khác. Cái thiết tha thắm đậm tính chất đơn sơ của khung cảnh thôn dã. Cũng là “đêm trăng” cũng là “lời hẹn”, cũng là “hương thơm” một tình yêu… Nhưng đó là “Đêm trăng ướt lá dừa” và, “bên nồi khoai mới luộc”. Cũng là “Em hẹn em sẽ kể” - - Nhưng đó là lời hẹn kể về một tình yêu hay “Tình quê hương đơn sơ” (?) Và, cũng là “ngát hương”, nhưng đó là hương của “vườn ngâu thưa”- - Không phải là mùi hương trong hồi tưởng… “tìm trong tiếng đàn... mùi hương chưa phai” (ở Chiều tím).
Đó là hai khía cạnh đời sống tinh thần, vốn luôn hiện hữu trong tâm hồn dân tộc Việt. Nhưng sự khác biệt của hai ca khúc này, giống như trời và đất!.
Bằng vào tài hoa của mình, nhạc sĩ Đan Thọ đã thả những hạt giống “trời/ đất” kia sâu trong tâm hồn nhiều thế hệ...
(Trích trong "Phác Họa Toàn Cảnh 20 Năm Văn Học Nghệ Thuật Miền Nam 1954-1975" - Du Tử Lê)
Nhạc Sĩ Xuân Tiên (1921-2023)
Nhạc sĩ Xuân Tiên vừa qua đời hôm Thứ Sáu 2 tháng 6 năm 2023 vào lúc 4.00am tại viện dưỡng lão AVACS (Australia) hưởng thọ 102 tuổi.
Nhạc sĩ Xuân Tiên có họ tên đầy đủ Phạm Xuân Tiên, sinh ngày 28/1/1921 tại Hà Nội. Nhạc sĩ Xuân Tiên là con út trong gia đình có 6 anh em trai. Nhạc sĩ Xuân Tiên có người anh kế cũng tham gia sáng tạo nghệ thuật là nhạc sĩ Xuân Lôi (1917-2006).
Nhạc sĩ Xuân Tiên là tác giả của các ca khúc như Khúc Hát Ân Tình (Tình Bắc Duyên Nam), Chờ Anh Bên Đồi, Mong Chờ, Hận Đồ Bàn, Về Dưới Mái Nhà...
Ông có hai tập nhạc đã xuất bản. Tập đầu tiên là Duyên Tình (năm 2000) gồm toàn bộ sáng tác của ông trước năm 1975. Tập thứ hai là Dâng Nắng (năm 2007) gồm 16 bài. Xuân Tiên còn có tập thơ Trên kiếp hoa được nhà xuất bản Ba Vì in ở Canada năm 1997.
Trong cuốn hồi ký xuất bản tại Úc, nhạc sĩ Xuân Tiên thổ lộ bí quyết trường thọ: “Dù tuổi đã nhiều, lúc nào cũng nên vui vẻ với mọi người, sống lạc quan, bỏ qua sự hờn giận, tìm sự vui tươi cho trí óc. Cố không nghĩ ngợi lung tung để cho trí óc được thanh thản. Nếu có thể, nên tập thể dục một chút cho máu huyết lưu thông, đó là sức khỏe vô giá của người nhiều tuổi”.
Nguồn: Internet
Nhà Sản Xuất Tô Văn Lai (1937-2022)
Ông Tô Văn Lai, người sáng lập trung tâm ca nhạc Thúy Nga và phát triển nó thành một biểu tượng văn hóa lâu bền trong đời sống tinh thần của người Việt trong và ngoài nước, qua đời ngày thứ Ba 19 tháng 7 ở miền nam bang California của Mỹ. Ông hưởng thọ 85 tuổi.
Sự ra đi của ông khép lại một kỉ nguyên mà trong suốt thời gian đó ông đã góp phần kiến tạo một trong những định chế văn hóa của người Việt có sức ảnh hưởng lớn nhất bên ngoài Việt Nam. Từ một cửa hàng bán băng nhựa và băng cassette tại Sài Gòn, trung tâm ca nhạc Thúy Nga do ông và vợ cũ đặt nền móng đã xác lập vị trí gần như không thể thay thế trong lĩnh vực giải trí ngày nay, sản xuất chương trình ca nhạc tạp kĩ “Paris By Night” mang tính biểu tượng.
Ước tính có khoảng 70-80 triệu người Việt trên toàn thế giới xem “Paris By Night,” theo website của Thúy Nga Productions đặt trụ sở tại Westminster, California.
Bà Thủy, cũng là giám đốc điều hành của Thúy Nga Productions, cho biết
cha của bà vẫn tham gia tuyển chọn các bài hát cho một chương trình ca
nhạc trực tiếp vào tháng 5 dù khi đó sức khỏe của ông đã suy yếu.
Ông Tô Văn Lai sinh ngày 11 tháng 5 năm 1937 tại Sài Gòn-Gia Định. Ông lấy bằng đại học chuyên ngành triết học tại Đại học Sư phạm ở Đà Lạt trước khi được bổ nhiệm về dạy tại một trường nữ sinh ở Mỹ Tho. Cho đến cuối đời ông vẫn được người thân và bạn bè kính trọng gọi bằng danh xưng “giáo sư.”
Ông được nói là đã phát triển đam mê trong lĩnh vực nghệ thuật khi ông còn phụ trách tuyển chọn nhạc cho chương trình văn nghệ phát thanh học đường hàng tuần. Ông cùng vợ cũ của mình sáng lập trung tâm băng nhạc Thúy Nga vào năm 1972, sản xuất những băng nhạc đầu tiên với tiếng hát của Khánh Ly và Thái Thanh. Khi qua Pháp vào năm 1976, sau những năm đầu chật vật mưu sinh và tích cóp ngân quỹ, ông sản xuất chương trình Paris By Night đầu tiên tại Paris năm 1983. Chương trình thứ hai ra mắt ba năm sau đó.
Ông Lai ra đi trong lúc chương trình Paris By Night mới nhất sắp ghi hình tại Las Vegas. Vì quy mô to lớn và phức tạp của chương trình, bà Thủy cho biết hậu sự của ông sẽ diễn ra sau show diễn cuối cùng ngày 31 tháng 7 và chi tiết sẽ được loan báo rộng rãi. Đó cũng sẽ là show cuối cùng mà Nguyễn Ngọc Ngạn đóng vai trò MC trước khi ông giã từ sân khấu.
Theo VOA
Nhạc Sĩ Cung Tiến (1938-2022)
Nhạc sĩ Cung Tiến tên thật là Cung Thúc Tiến, sinh ngày 27/11/1938 tại Hà Nội. Thời kỳ trung học, Cung Tiến học xướng âm và ký âm với hai nhạc sĩ nổi tiếng Chung Quân và Thẩm Oánh.
Ngoài sáng tác, ông còn là nhà hòa âm, soạn khí nhạc, hợp xướng… và chơi được các nhạc cụ như sáo, mandolin, guitar và piano. Bài Hoài Cảm là ca khúc đầu tay của ông được viết hoàn chỉnh khi ông mới 14 tuổi, đang học đệ lục, chịu nhiều ảnh hưởng thơ mới lãng mạn của Huy Cận, Xuân Diệu…
Trong khoảng thời gian 1957 đến 1963, Cung Tiến du học ở Australia ngành
kinh tế và ông có tham dự các khóa về dương cầm, hòa âm, đối điểm, và
phối cụ tại nhạc viện Sydney. Từ năm 1970 đến 1973, với một học bổng cao
học của Hội đồng Anh (British Council) để nghiên cứu kinh tế học phát
triển tại đại học Cambridge, Anh, ông đã dự các lớp nhạc sử, nhạc học,
và nhạc lý hiện đại tại đó.
Nhạc sĩ Cung Tiến là một trong ba Tổng Giám đốc trụ cột của Bộ Kế hoạch Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975, bên cạnh đó còn tham gia sinh hoạt văn nghệ với tư cách là một nhà văn và dịch giả. Ông có thời gian cộng tác chặt chẽ với tạp chí Sáng Tạo bằng những sáng tác, nhận định và phê bình văn học với bút danh là Thạch Chương. Ông còn là dịch giả của "Hồi Ký Viết Dưới Hầm" (bản dịch tác phẩm của M. Dostoievski, 1969) và "Một Ngày Trong Đời Ivan Denissovitch" (dịch từ A. Solzhenitsyn, 1969).
Sau khi định cư tại Hoa Kỳ, ông hoạt động như kinh tế gia, giúp cho Bộ tài nguyên và
Thiên Nhiên Minesota. Ông cũng có viết cho một số
báo với bút danh
là Đăng Hoàng đồng thời vẫn sáng tác và sinh hoạt âm nhạc thính phòng để quảng bá tinh thần
âm nhạc Việt Nam. Năm 1987, Cung Tiến viết nhạc tấu khúc Chinh phụ
ngâm, soạn cho 21 nhạc khí tây phương, được trình diễn lần đầu vào năm
1988 tại San Jose với dàn nhạc thính phòng San Jose, và đã được giải
thưởng Văn Học nghệ thuật quốc khánh 1988.
Ông qua đời ngày 10/05/2022 hưởng thọ 83 tuổi, và lễ hỏa táng thực hiện vào ngày 02/06/2022 tại Nam California.
Nguồn: Internet
BÙI CHÍ VINH BÀI THƠ TỪ TỰA 10 BÀI NHẠC CUNG TIẾN
Ca sĩ Bích Chiêu (1942 - 2022)
Ca sĩ Bích Chiêu sinh năm 1942, là con cố nhạc sĩ - kịch sĩ Lữ Liên, chị gái ca sĩ Anh Tú, Khánh Hà, Tuấn Ngọc, Lưu Bích... Từ nhỏ, Bích Chiêu tham gia hoạt động văn nghệ trong Đài phát thanh và hát cho Trường Thánh Mẫu (Đà Lạt).
Năm 12 tuổi, được gia đình ủng hộ, bà gia nhập ban nhạc Hoa Xuân cùng ca sĩ Kim Chi, Mai Hân, Mai Hương, từ đó trở thành ca sĩ chuyên nghiệp. Chỉ trong một năm, tên tuổi Bích Chiêu nổi danh khắp tụ điểm giải trí, phòng trà với lối hát jazz đậm chất ngẫu hứng. Bích Chiêu còn cùng em trai - ca sĩ Tuấn Ngọc - tạo thành đôi song ca nhí nổi tiếng một thời.
Năm 1962, khi sự nghiệp ca hát đang trên đà phát triển, Bích Chiêu quyết định theo đuổi sự nghiệp học tập với ngành âm nhạc cổ điển và thương mại ở Pháp. Khi du học, bà thỉnh thoảng vẫn tham gia các show, chủ yếu hát nhạc ngoại.
Năm 2008, danh ca Bích Chiêu trở về Việt Nam, tham gia biểu diễn tại một số phòng trà ở TPHCM. Năm 2009, bà ra mắt album đầu tiên của mình tại Việt Nam. Ca sĩ Bích Chiêu đã qua đời tại Pháp, hưởng thọ 80 tuổi.
Nhạc Sĩ Phú Quang (1949 - 2021)
Tin Nhạc : Nhạc sĩ Phú Quang (sinh ngày 13-10-1949, tại Phú Thọ), tên đầy đủ là Nguyễn Phú Quang. Ông từng học tại Nhạc viện Hà Nội, chuyên ngành chỉ huy dàn nhạc, sau đó công tác tại các nhà hát, làm việc cho các dàn nhạc ở Hà Nội, TP.HCM.
Ông nổi tiếng với những bản tình ca, những ca khúc trữ tình viết về Hà Nội. Những bản tình ca như Em ơi Hà Nội phố, Đâu phải bởi mùa thu, Mơ về nơi xa lắm, Nỗi nhớ mùa đông... được rất nhiều người yêu thích, đã trở thành một phần của Hà Nội.
Nhạc sĩ qua đời ngày 08/12/2021 sau gần 2 năm trị bệnh, được chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện.
Ca Sĩ Phi Nhung (1970 - 2021)
Lòng qua như con nước, lênh đênh vào trong mong nhớ...
Ca sĩ Phi Nhung sinh năm 1970, quê ở Gia Lai, cô tạo nên sự nghiệp với dòng nhạc dân ca trữ tình từ những năm cuối của thế kỷ 20 cho tới nay và là ca sĩ được nhiều thế hệ khán giả Việt Nam yêu mến.
Tháng 7-2021, đứng giữa hai lựa chọn về Mỹ đoàn tụ cùng con gái hoặc ở TP.HCM để tiếp tục hành trình thiện nguyện và chăm sóc cho các con nuôi trong mùa dịch nguy hiểm, Phi Nhung đã quyết định ở lại.
Cô nhiệt tình tham gia các hoạt động như đóng góp cho quỹ vắc xin, kêu gọi mua máy thở, gửi gạo tới người nghèo, tham gia bếp ăn tình thương cho người vô gia cư... từ giữa tháng 6 đến ngày 5-8.
Sau khi phát hiện nhiễm COVID-19, Phi Nhung nhập viện tại Bệnh viện Gia An 115 từ ngày 15-8, nhưng tình trạng chuyển nặng nên được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 26-8.
Ca Nhạc Sĩ Phượng Vũ (1947 - 2021)
Ngày xưa, Tư Mã Tương Như gảy khúc "Phượng Cầu Hoàng" làm cho Trác Văn Quân say đắm, tâm hồn ngất ngây, dâng hiến trái tim yêu... và, hình ảnh Loan, Phượng trở thành huyền thọai cho cuộc tình hoa mộng qua hai nghìn năm. Cung bậc, thanh âm trong vũ điệu của Phượng Hoàng được mô tả trong khúc nhạc giữa thập niên 60-70 nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa với tiếng sáo điêu luyện, thần sầu trong "Phượng Vũ" làm mê hoặc giới thưởng ngoạn âm nhạc.
Làng Phượng Vũ ở Hà Đông, quê ngọai của nhạc sĩ Phạm Duy và cũng là quê ngọai của người nhạc sĩ đa dạng: sáng tác, hòa âm và mang tiếng hát trang trải với tha nhân. Người nghệ sĩ đó mang hình bóng quê hương: PHƯỢNG VŨ.
Say mê âm nhạc từ thuở ấu thơ, được gia đình cho anh theo học nhạc hàm thụ "École Universelle" ở Pháp, anh cảm thấy "tâm hồn bay bổng lâng lâng giữa trời mây". Rồi, nhìn vào lá số tử vi, ở cung mệnh có sao Vũ khúc và Phượng các hợp chiếu, anh tự dấn thân vào khu vườn âm nhạc với nghệ danh tiền định.
Khi nắm vững nhạc lý và kỷ năng sáng tác, Phượng Vũ cố gắng trao dồi thanh nhạc (vocal) và mộng ước thân thưởng, trở thành ca sĩ.
Tiếng hát Phượng Vũ được khơi dậy khá lâu nhưng giữa thập niên 80 mới mang nghiệp cầm ca. Phượng Vũ tham gia trong đoàn Tiếng Ca Sông Hậu, Nghệ Thuật Hoàng Biếu, Trường Sơn, Ngọc Giao... tiếng hát trầm ấm, điêu luyện, chan chứa tình người, hấp dẫn, lôi cuốn đã trở thành quen thuộc cho giới mộ điệu.
Đầu thập niên 90, ở Sungei Besi, Paulau Bidong trên vùng đất Malaysia, đêm đêm người Việt ly hương nghẹn ngào, xúc động với tiếng đàn và tiếng hát của Phượng Vũ qua từng ca khúc anh vừa sáng tác, qua từng nhạc phẩm đã một thời in sâu trong trái tim qua những bài hát: Tôi đã thấy thân trên đường phố SàiGòn, Tang khúc ngòai biển Đông.
Được nhạc sĩ Nam Lộc bảo trợ về định cư tại Little Saigon, nơi đây là khu vườn nghệ thuật của người Việt tị nạn, Phượng Vũ có được cơ hội để theo đuổi ước mơ từ lâu, không có gì an ủi bằng cuộc sống lưu vong nơi hải ngọai.
Phượng Vũ vừa hát vừa sáng tác cho các trung tâm băng nhạc Phượng Hoàng, Giao Linh, Hải Lý, Mai Vy... chẳng bao lâu, tiếng hát Phượng Vũ đã tạo được thế đứng trong làng ca nhạc hải ngọai.
Thế rồi không còn nghe âm điệu trầm thiết, trữ tình, đầy tình tự quê hương, tưởng chừng chàng ca sĩ tung mây lướt gió vào khung trời xa xăm nào. Là người có tinh thần học hỏi cầu tiến, muốn đi xa hơn trong kỹ thuật tân tiến để được thể hiện trọn vẹn với hòai bão mong muốn. Sau 3 năm miệt mài Phượng Vũ tái xuất giang hồ với "Phượng Vũ Digital Recording Studio" mang tên Alpha Thạch Thảo Productions.
Ở Hoa Kỳ nói riêng và nhiều nơi trên thế giới, ca sĩ nổi danh thường sáng tác ca khúc để trình diễn để tạo được nét mới lạ, rung cảm... trong tiếng hát. Phượng Vũ cảm nhận được điều đó và đã bày tỏ: "Vũ được may mắn học nhạc Tây phương từ nhỏ, được học hỏi trao đổi với nghệ sĩ đàn anh và mong ước mang kỹ thuật nhạc lý của Âu Mỹ để làm chuyến xe chuyên chở giai điệu rất phong phú của dân tộc Việt Nam... Ngòai ra, giai điệu của âm nhạc VN với những quãng đặc biệt đã tạo những nét nhấn, rung, mổ, vuốt... trong nhạc khí và thanh nhạc rất là độc đáo. Tiết tấu thì dùng nhiều nghịch phách và đảo phách. Vả lại, tâm tư tình cảm trong âm nhạc VN rất là đậm đà, tế vị, sâu lắng và thiết tha... lắng đọng nơi tâm hồn người nghe. Nó tạo thành động lực thôi thúc Vũ đam mê sáng tạo. Với dân ca VN, là một kho tàng quí báu, những bậc thày của nhân lọai ngày xưa khi sáng tác họ đã phát triển giai điệu từ dân ca của nước họ để đưa vào nhạc phẩm và do vậy, tác phẩm của họ đã trở thành bất tử qua nhiều thế hệ... Thế giới hiểu được làn điệu dân ca của quê hương tác giả".
Chọn lọc trong khoảng 80 ca khúc đã sáng tác, tuyển chọn những bản nhạc Phượng Vũ trình bày, được khán thính giả ái mộ, giới thiệu nhạc phẩm đắc ý vừa hoàn thành... Với kỹ thuật tân kỳ của Alpha Recording Studio để trình làng qua các CD:
- CD "Hương Bưởi Nhà Em" gồm 10 ca khúc, trong đó có 5 ca khúc của Phượng Vũ với hai tiếng hát: Hương Lan và Phượng Vũ. "Hương Bưởi Nhà Em" cũng là tập nhạc gồm 20 ca khúc của Phượng Vũ.
- CD "Thương Thầm Tà Áo Tím" gồm 10 nhạc phẩm do Phượng Vũ sáng tác được Phượng Vũ và Hương Lan trình bày. Trong 10 nhạc phẩm này, có những bản trở thành thân quen như Thương Thầm Tà Áo Tím, Lời Tự Tình Cho Em, Mưa Cali Nhớ Mưa SàiGòn, Mái Tóc Quê Hương...
- CD "Mẹ Là Ánh Sáng" gồm 10 ca khúc tuyển chọn được sáng tác từ ngày bước chân lên đảo Palau Bidong đế tháng ngày ở Hoa Kỳ. 10 ca khúc dâng mẹ, hình ảnh cao quy, trong sáng, huyền nhiệm, là nguồn thương yêu bất tận, là hình bóng thiêng liêng mãi mãi ngự trị trong trái tim. Với 10 ca khúc: Cánh Thư Gửi Mẹ, Triệu Đóa Hoa Hồng Dâng Mẹ, Nhớ Mẹ, Thương Về Mẹ Huế, Mẹ Là Bài Ca Dao, Mưa Đêm Nhớ Mẹ, Mẹ Là Người Duy Nhất, Hương Sen Quê Mẹ, Mẹ Là Ánh Trăng... Do Phượng Vũ, Hương Lan và Bảo Trân trình bày.
Đặc biệt trong CD này với 3 Dimensions Sound (3 chiều chuyển động), 24 bit Digital Mastering. Kỹ thuật mới lạ tân tiến này âm thanh giống như thính giả đang ngồi nghe như cảnh thật ngòai đời. Với âm thanh chuyển động bay lượn ra hẳn ngòai cặp loa và chập chùng ngòai không gian tạo có cảm giác như ca sĩ và ban nhạc đang ở ngay trước mặt chúng ta. Kỹ thuật này chỉ mới dùng được gần đây trong movie 3 dimesions của Hoa Kỳ 1998 và chỉ có duy nhất ở những CD của Phượng Vũ và (Alpha Digital Recording Studio) mà thôi thính giả rành và kén âm thanh sẽ mê ngay những CD này.
- CD "Mùa Xuân Nguyễn Thị", gồm 10 ca khúc vui tươi, trong sáng do Phượng Vũ sáng tác để trình làng vào dịp xuân Kỹ Mão. Với 3 giọng ca: Giao Linh, Hương Lan và Phượng Vũ qua cung bậc và lời ca mang hình ảnh mùa xuân với nhiều sắc thái trên mọi nẻo đường quê hương. Mùa Xuân Cao Nguyên, Thư Xuân Cho Mẹ, Tết Này Anh Không Về, Tìm Một Mùa Xuân, Mùa Xuân Nguyễn Thị, Tà Áo Xuân, Trường Cũ Xuân Xưa, Tết Trên Rừng, Một Mình Trong Xuân, Cánh Thư Mùa Xuân.
Phượng Vũ bước chân vào vườn âm nhạc với niềm đam mê và hăng say, vừa sáng tác và lo cho studio, ban nhạc Proffessionals của Phượng Vũ để trình diễn vào dịp cuối tuần.
Tuy bận rộn nhưng Phượng Vũ vẫn được mời đi trình diễn ở nhiều nơi. Phượng Vũ rất thích đi xa vì mỗi chuyến đi mang theo kỷ niệm và tạo nguồn cảm hứng để sáng tác. Thời gian tới Phượng Vũ được sang Úc để trình diễn những ca khúc về quê hương và dân ca cho chương trình truyền hình của Úc về dân nhạc thế giới. Phượng Vũ cho biết: "Hy vọng trong chuyến đi này, Vũ được cơ hội học hỏi được nhiều điều hay để làm nhịp cầu chuyên chở vào tác phẩm của mình". Mới đây, năm 1998, đài VOA đã thực hiện một chương trình dài 45 phút đặc biệt cho tiếng hát và sáng tác Phượng Vũ.
Với Phượng Vũ, với ca sĩ có làn hơi phong phú, trầm ấm, điêu luyện, với kỹ thuật luyến láy, với tâm hồn mến chuộng nghệ thuật... tiếng hát mà nhà báo Vũ Xuân Hùng khen tặng là giọng hát rất sexy, tiếng hát của Phượng Vũ đã khơi dậy bao giai điệu thân yêu của quê hương, khơi dậy từ suối ngàn của cung bậc đã đi vào tiềm thức. Nhạc sĩ Phạm Duy khi viết về người nghệ sĩ này: "Phượng Vũ muốn gắn liền chúng ta với quê hương yêu quý dù đang phải muôn trùng xa cách".
Vương Trùng Dương
Nghệ Sĩ Chí Tài (1958 - 2020)
Truyền thông Việt Nam đưa tin nghệ sĩ Chí Tài đột quỵ vào chiều 9/12, tại nơi ở quận Phú Nhuận,
TP HCM. Được đưa đi cấp cứu nhưng diễn viên qua đời tại bệnh viện. Tang lễ có thể được tổ chức tại Mỹ là nơi anh định cư từ 1981.
Trước khi trở thành nghệ sĩ hài, diễn viên màn bạc được nhiều người hâm mộ, Chí Tài là trưởng nhóm nhạc "Chi Tai's Brothers", gồm các thành viên: Chí Thiện
(keyboard), Quang Mỹ (bass), Phương Loan (ca sĩ chính), Kiều Linh
(trumpet), Chí Thái (trống), Trịnh Nam Sơn (kèn, keyboard) và Chí Tài
(guitar chính, hát nền).
Ngoài chơi nhạc, nghệ sĩ từng mở studio làm hòa âm và thu âm cho
nhiều ca sĩ nổi tiếng tại hải ngoại cũng như sáng tác và đặt lời Việt cho nhiều ca khúc ngoại (trong đó có ca khúc Người Yêu Dấu được nhiều người biết đến qua giọng hát cố ca sĩ Ngọc Lan).
Vĩnh biệt nghệ sĩ và thành kính phân ưu cùng quý quyến nghệ sĩ Chí Tài!
Ca Sĩ Mai Hương (1943 - 2020)
Làng nhạc Việt của miền Nam Việt Nam vừa mất đi viên ngọc quý trong giới ca sĩ. Theo chân người cô ruột là nữ danh ca Thái Thanh, danh ca Mai Hương cũng đã nối gót ra đi ở tuổi 79.
Ca sĩ Mai Hương qua đời lúc 14h52 ngày 29-11-2020, hưởng thọ 79 tuổi. Thông tin được nhiều nghệ sĩ trong giới giải trí Việt tại Mỹ báo tin và gửi lời chia buồn đến ông Trương Dục, chồng ca sĩ Mai Hương và các người thân, bạn bè của bà.
Ca sĩ Mai Hân - từng hát cùng Mai Hương thuở thiếu thời - xúc động khi
hay tin bạn đồng niên qua đời. Ca sĩ ôn lại ký ức qua một bức ảnh chụp
chung với Mai Hương, Quỳnh Giao ngày trẻ. Bà nói: "Cuộc đời thật ngắn
ngủi. Vài tháng trước, chúng tôi còn trò chuyện qua điện thoại, giờ bạn
đã bỏ lại những người yêu tiếng hát bạn mà ra đi. Vĩnh biệt bạn, tiếng
hát tươi xanh và hoa xuân của tôi".
Mai Hương tên đầy đủ là Phạm Thị Mai Hương, sinh năm 1941 tại Đà Nẵng. Bà là con gái của ông Phạm Đình Sỹ và nữ kịch sĩ Kiều Hạnh.
Ông Phạm Đình Sỹ là anh trai của các ca sĩ trong ban hợp ca Thăng Long gồm Thái Hằng (vợ nhạc sĩ Phạm Duy), Thái Thanh, Hoài Trung và nhạc sĩ Phạm Đình Chương.
Sinh thời, ông Sỹ làm công chức, thường xuyên phải hoán chuyển nhiều nơi. Do đó, dù gốc Hà Nội, bà sinh ra và sống vài năm đầu đời tại Đà Nẵng.
Do đại gia đình có nhiều giọng ca nổi tiếng, Mai Hương lớn lên trong môi trường nghệ thuật và chịu ảnh hưởng từ các tiền bối, trong đó có người cô ruột là "Đệ nhất danh ca" Thái Thanh.
Vào năm 1952, gia đình Mai Hương chuyển vào Sài Gòn và sống tại đây đến năm 1975. Bà được nhận xét "sinh ra ở miền Trung, lớn lên ở miền Bắc và thành danh ở miền Nam", hội đủ ba miền của đất nước.
12 tuổi, bà dự cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của một đài pháp thanh do cô ruột - danh ca Thái Thanh - khuyến khích và đậu.
Từ đó, bà cộng tác với các chương trình thiếu nhi, theo học trường Quốc Gia Âm Nhạc và được những giáo sư nổi tiếng hướng dẫn. Bà học violin với thầy Nhiên, ký âm pháp với thầy Nguyễn Cầu, đàn tranh với thầy Nguyễn Hữu Ba, hợp xướng với thầy Hải Linh. Dù phải dở dang việc học vì bận thi tú tài, bà có căn bản vững vàng. Mai Hương được đồng nghiệp nhận xét là nắm rất vững nhạc lý. Bà có thể cầm tờ nhạc lên là có thế hát ngay được, phối hợp rất ăn ý với ban, thay vì phải tập dượt như nhiều ca sĩ.
Trong sự nghiệp, Mai Hương hát nhạc của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng như Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Dương Thiệu Tước, Phạm Duy, Văn Cao...
Giọng hát sang cả, âm vực rộng của Mai Hương một thời lôi cuốn nhiều
khán thính giả. Bà từng cộng tác với nhiều show ca nhạc nổi tiếng vào
thời đó bên các nhạc sĩ, tác giả tên tuổi như Y Vân, Hoàng Trọng, Vũ
Thành... Bà còn đảm nhiệm cả phần đọc truyện và làm phát thanh viên.
Bà ra mắt các băng đĩa: Mai Hương và những tuyệt phẩm Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Tình khúc Dương Thiệu Tước, Tình khúc Văn Cao - Nhạc tiền chiến 4...
Mai Hương và chồng, ông Trương Dục, có cuộc hôn nhân hạnh phúc hơn 60 năm và có 4 người con. Mai
Hương từng chia sẻ chồng là mối tình đầu của bà. Họ gặp nhau ở phi
trường Tân Sơn Nhất. Trước khi quen ông vào năm 1961, bà chỉ đi hát cho
sinh viên nghe nhưng chỉ trong giới hạn giao lưu văn nghệ.
Cuộc hôn nhân 60 năm của bà và chồng - ông Trương Dục - là một trong
những mối tình bền lâu nhất làng nhạc. Bà quen ông chỉ ba tháng trước
khi kết hôn năm 1961 theo sự sắp xếp của gia đình. Những năm tuổi già,
bà sống bình yên bên bạn đời trên vùng đồi Rowland Heights (California)
thơ mộng - nơi bà tìm thấy sự thanh thản trong tâm hồn, gác lại một đời
cầm ca.
Theo TTO. VNE, SBS
Nhạc Sĩ Lê Dinh (1934 - 2020)
Nhạc sĩ Lê Dinh đã từ trần ngày 09/11/2020 tại thành phố Montreal, hưởng thọ 86 tuổi.
Sau nhạc sĩ Minh Kỳ và nhạc sĩ Anh Bằng, ông là thành viên cuối cùng của nhóm Lê Minh Bằng (Minh Kỳ, Lê Dinh và Anh Bằng) đã tạ thế.
Nhạc sĩ Lê Dinh tên đầy đủ là Lê Văn Dinh, sinh năm 1934 tại Gò Công (nay là Tiền Giang). Ông từng làm việc tại Đài Phát thanh Sài Gòn trước khi định cư ở Canada.
Ông bắt đầu sáng tác từ năm 1956, được biết đến và nổi tiếng với những nhạc phẩm: Tình yêu trả lại trăng sao, Chiều lên bản Thượng, Cánh thiệp hồng, Ngang trái, Xác pháo nhà ai, Thương một đời hoa… và Cánh thiệp đầu xuân, Hạnh phúc đầu xuân, Tuổi học trò (viết cùng nhạc sĩ Minh Kỳ), Cánh buồm chuyển bến (cùng Hoài Linh), Mùa thu lá bay 2, Nếu hai đứa mình (với Anh Bằng)...
RIP nhạc sĩ Lê Dinh!
Ca Sĩ Ngọc Cẩm (1930 - 2020)
Danh ca Ngọc Cẩm qua đời lúc 12h07 ngày 2-11, hưởng thọ 91 tuổi. Cùng với người bạn đời là ca nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết, cả hai làm nên cặp song ca đình đám một thời của nền tân nhạc Việt Nam.
Gia đình của danh ca Ngọc Cẩm thông báo bà qua đời lúc 12h07 ngày 2-11-2020, hưởng thọ 91 tuổi. Linh cữu được quàn tại tư gia ở phường Bình An, quận 2, TP.HCM.
Tang lễ được cử hành vào 7h ngày 5-11. Sau đó, linh cữu được an táng tại nghĩa trang Chùa Vĩnh Nghiêm, quận 12, TP.HCM. Danh ca Ngọc Cẩm tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, sinh năm 1930 tại Thừa Thiên Huế. Sinh thời, bà và người chồng hợp thành đôi song ca Ngọc Cẩm - Nguyễn Hữu Thiết nổi tiếng của nền tân nhạc Việt Nam, được đặt cạnh những đôi song ca khác như Châu Kỳ - Mộc Lan, Mạnh Phát - Minh Diệu.
Ngọc Cẩm và Nguyễn Hữu Thiết không chỉ được ngưỡng mộ vì tài năng âm nhạc mà còn vì chuyện tình lãng mạn hiếm có.
Những ca khúc nổi tiếng của họ là: Gạo trắng trăng thanh, Gửi người tôi yêu, Ai đi ngoài sương gió, Giọt mưa chiều hay nước mắt em, Lúa mùa duyên thầm, Một miếng trầu quê, Bến duyên lành, Trọn một lời thề, Trăng về thôn dã, Nhớ bến Đà Giang, Tình mùa hoa nở...
Thời đỉnh cao, Ngọc Cẩm và Nguyễn Hữu Thiết là những ngôi sao ca nhạc thường xuyên xuất hiện trên báo chí Sài Gòn thời đó. Hai người mến mộ nhau vì tài nhạc và kết hôn vào năm 1948.
Ngọc Cẩm và Nguyễn Hữu Thiết có 7 người con, trong đó trưởng nữ là ca sĩ Hồng Hạnh.
Theo TTO
Đây là Blog sưu tầm, hệ thống tư liệu về danh mục (list băng dĩa nhạc) và hình ảnh các chương trình nhạc Việt Nam được phát hành trong và ngoài nước qua các thời kỳ. Trong khả năng hạn hẹp, mục đích của chúng tôi nhằm lưu trữ, chia sẻ thông tin cùng những người yêu âm nhạc Việt và sưu tập băng dĩa nhạc, qua đó góp phần nhỏ vào sự bảo tồn một phần văn hóa Việt.
Tất cả các liên kết ngoài (nếu có) và hình ảnh bìa băng dĩa nhạc được tìm kiếm từ Internet qua hảo tâm chia sẻ công khai với cộng đồng mạng của những nhà sưu tập sở hữu chúng. Những tập tin nhạc dạng MP3 có thể nghe tại đây được nhúng từ các kênh âm nhạc Official trên Youtube...Blog không sở hữu hình ảnh cover, không upload bất kỳ tập tin âm thanh nào tại đây cũng như không có mối liên hệ với các website và host chứa tập tin. Nếu quý vị có căn cứ xác định quyền sở hữu của các tập tin trong liên kết, vui lòng thông báo DCMA trực tiếp đến các website chứa các tập tin âm thanh đó.
Blog không kinh doanh các sản phẩm âm nhạc và không có các file nhạc chia sẻ nên quý vị vui lòng không liên hệ hỏi mua bán băng dĩa hoặc xin link tải. Blog cũng xin phép không hồi đáp những yêu cầu trên!
Chúng tôi hoan nghênh việc bạn mua các album gốc, folow, like và subscribe theo dõi các kênh Youtube chính thức của các trung tâm phát hành. Việc ủng hộ bản quyền giúp nhà phát hành đủ khả năng tái tạo những sản phẩm tinh thần hấp dẫn hơn, đa dạng hơn, phục vụ công chúng. Chúc quý vị nhiều sức khỏe, thành công và xin chân thành cảm ơn đã ghé thăm!