Chuyên Mục Nghệ Sỹ Và Đời Sống 2008 | Trường Kỳ Phụ Trách (VOA) - Tưởng Nhớ Billy Shane
Năm 2008 là năm mà dòng nhạc nhạc trẻ của
những thập niên 60 và 70 có cơ hội sống lại một cách mạnh mẽ nơi những
người yêu nhạc thuộc lớp trung niên trở lên tại hải ngoại. Đó là lớp
khán giả trưởng thành cùng với sự lớn mạnh của phong trào nhạc trẻ Việt
Nam trước năm 1975.
Những âm thanh của dòng nhạc này đã gợi
lại nơi họ biết bao nhiêu kỷ niệm êm đềm và tươi trẻ trong thời kỳ mà
một cuộc cách mạng về văn hóa – trong đó có âm nhạc – đã gây được một
ảnh hưởng rất lớn mạnh trên toàn thế giới, kể cả Việt Nam.
Không những thế, dòng nhạc trẻ, gồm những
nhạc phẩm Pháp hay Mỹ và những nhạc phẩm ngọai quốc soạn thành lời Việt
thuộc hai thập niên 60 và 70 cũng khiến giới trẻ cả trong nước lẫn hải
ngoại ngày nay say mê và thích thú. Gần đây, phong trào nhạc trẻ Việt
Nam cũng đã được đề cập đến một cách khái quát trong chương trình video
số 59 « Một Thời Để Nhớ » của trung tâm Asia với một vài khuôn mặt ca sĩ
nhạc trẻ của những ngày xa xưa cũng khiến khán giả say mê theo dõi.
Thêm vào đó, những chương trình nhạc trẻ
qui tụ những ca nhạc sĩ của hai thập niên nói trên vẫn thỉnh thoảng được
tổ chức, đặc biệt tại miền nam California và thành phố Houston, tiểu
bang Texas tại Hoa Kỳ cùng một vài nơi khác, chẳng hạn như thành phố
Montreal ở Canada.
Ngoài ra cũng đã có rất nhiều nghệ sĩ tên
tuổi nay vẫn còn trình bầy những nhạc phẩm nổi tiếng của hai thập niên
60 và 70 với nhiều lối hòa âm khác biệt, luôn luôn thu hút được sự theo
dõi của khán thính giả thuộc mọi lứa tuổi.
Một khi đã nhắc tới phong trào nhạc trẻ
Việt Nam, không thể không nhắc tới những nghệ sĩ đã có công đóng góp vào
phong trào này trong những năm tháng đầu tiên. Một trong những tên tuổi
nổi bật nhất phải là Billy Shane. Billy Shane đã qua đời cách đây hơn
14 năm (thời điểm 2008). Và đây cũng là dịp để dành cho anh một bài viết
coi như một niềm tưởng nhớ sâu xa một tên tuổi lớn của phong trào Nhạc
Trẻ Việt Nam.
Mặc dù là bạn học rất thân, ngồi cạnh
Billy Shane trong một thời gian dài trong những năm trung học tại trường
Taberd Sài Gòn trong nửa đầu thập niên 60, nhưng tôi cũng không được
Billy Shane cho biết rõ ràng về thân thế, gia đình ngoài một vài chi
tiết căn bản liên quan đến lý lịch của anh.
Đối với bạn bè cùng lớp, Billy Shane là
một người rất thân thiện và cởi mở với tính tình thật đễ mến, khiến ai
cũng có cảm tình. Tuy nhiên có vẻ như anh luôn tránh đề cập tới gốc gác
thật sự, ngoài có lần anh tâm sự anh chính là một trong những người con
của cựu hoàng Bảo Đại với một thứ phi. Qua dáng dấp trắng trẻo, cao lớn
cùng cặp kính cận với cách ăn mặc luôn luôn tươm tất toàn mầu trắng và
những cung cách lịch lãm khiến mọi người đều tin những điều anh nói.
Ngoài ra không ai biết được chính xác dòng dõi của Billy Shane ra sao.
Billy Shane cho biết tên thật của mình là
Billy Yamasaki, mang quốc tịch Nhật. Anh không hề cho ai biết lý do
liên quan đến những chi tiết này. Nhưng khi nhập học trường Taberd Sài
Gòn, tên giấy tờ của Billy Shane lại là Billy Lee Klassen, mang quốc
tịch Đức. Nhưng anh là người nói tiếng Việt rất sành sỏi. Điều này đã
khiến anh em bạn cùng lớp đưa ra nhiều thắc mắc, nhưng Billy Shane vẫn
tránh né đề cập thêm về lý lịch của mình.
Anh sinh ngày 20 tháng 3 năm 1946 tại
Hồng Kông. Nơi sinh của anh lại cũng đã gây ra nhiều thắc mắc nơi những
bạn học. Nhưng tuyệt nhiên, anh cũng chẳng hề kể thêm chi tiết. Do đó
bạn bè luôn coi Billy Shane như một con người với những tung tích bí ẩn.
Trong thời gian học ở trường Taberd,
Billy Shane sống trong một ngôi nhà trên đường Trương Minh Ký, Sài Gòn
với một người em gái cùng một phụ nữ anh gọi là mẹ là một người Trung
Hoa, nhưng lại mang quốc tịch Anh và một ông bố nuôi người Đức!
Billy Shane là một người rất say mê ca
nhạc với một đầu óc tưởng tượng rất phong phú. Ngoài chuyện ca nhạc,
những câu chuyện do anh kể với bạn bè đều mang ít nhiều tính chất giả
tưởng nên đầu óc anh sống như có vẻ xa vời thực tế.
Chính vì vậy, việc học vấn của Billy
Shane rất kém cỏi, gần như luôn ở trong số 5 học sinh đứng hạng cuối
trong lần xếp hạng hàng tháng. Đến nỗi có lần sư huynh phụ trách lớp
Seconde (tương đương với lớp Đệ Tam chương trình Việt thời đó) nhiều lần
đã phải thốt lên «Thằng Billy này có mặt cũng như vắng mặt! », khiến
anh em bạn học nhớ mãi về anh.
Nhưng cũng kể từ niên học đó vào năm
1964, năng khiếu ca nhạc của Billy Shane phát triển rất nhanh chóng. Anh
không hề theo học nhạc, nhưng tự học qua sách vở để khởi đầu với cây
kèn harmonica mà anh sử dụng rất nhuần nhuyễn. Cho nên bất cứ buổi văn
nghệ nào trong lớp, Billy Shane cũng được anh em bạn hoan nghênh nhiệt
liệt với tài sử dụng khẩu cầm của anh.
Trong những năm đầu thập niên 60, phong
trào nhạc trẻ Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển để Billy Shane luôn
xoay đề tài câu chuyện của mình về những ca sĩ, những ban nhạc Pháp
cũng như Mỹ nổi tiếng vào thời đó.
Biết được đã có sự thành lập của một số
ban nhạc trẻ tại Sài Gòn trước đó như Les Vampires, The Rockin’Stars,
The Black Caps, The Teddy Bears, Les Tridents, vv… nên anh quyết định
chuyển sang học guitar và luyện hát những nhạc phẩm lời Pháp và Mỹ thịnh
hành.
Cây đàn guitar mầu đỏ đầu tiên trong đời
anh cầm trên tay đã do chính tôi giới thiệu anh mua lại của một nhạc sĩ
trong ban nhạc Les Tridents là tay trống Tony Cẩm, cũng là một bạn học
cùng lớp. Billy Shane chăm chỉ tự học guitar một mình, cùng một lúc rất
siêng năng tập hát nên gần như hoàn toàn lơ là với việc học vấn để sự
vắng mặt nơi lớp học trở nên thường xuyên hơn.
Không những vậy, đầu óc anh còn vẽ ra
nhiều dự định mà mọi người đều coi như khó lòng thực hiện. Nhưng Billy
tâm sự là anh nhất quyết sẽ trở thành một ca sĩ nổi tiếng trong làng
nhạc trẻ Việt Nam khi phong trào này càng ngày càng phát triển nhanh
chóng.
Lòng kiên quyết của Billy Shane đã giúp
anh thực hiện được giấc mơ của mình chỉ khoảng một năm sau đó khi anh
lần đầu tiên xuất hiện tại Đại Hội Nhạc Trẻ Taberd 65, lúc đó còn được
tổ chức trong thính đường của trường. Nhạc phẩm nổi tiếng Love Me Please
Love Me của Michel Polnaref đã được anh trình bầy một cách rất điêu
luyện đã đón nhận được những tràng pháo tay vang rền của tất cả các khán
giả trẻ ngồi dưới.
Một nhạc phẩm khác cần đến giọng hát thật
cao của the Four Seasons là Sherry cũng đã được đón nhận mộ cách nhiệt
liệt trong chương trình Đại Hội Nhạc Trẻ. Và tên Billy Shane bắt đầu
được nhắc nhở đến từ đó, một thời gian sau những Jacky, Elvis Phương,
Paolo, Công Thành, vv… đượrc coi như những tiếng hát tiên phong của
phong trào nhạc trẻ Việt Nam.
Những năm kế tiếp tại những Đại Hội Nhạc
Trẻ Taberd, mặc dù không còn theo học nơi trường của các sư huynh, nhưng
Billy Shane đã khiến anh em bạn học cùng lớp tự hào khi có một người
bạn đã trở thành một giọng ca nổi tiếng với những nhạc phẩm bất hủ như
Cara Mia, Sugar, Sugar hay Maman hoặc Tombe La Neige, vv… Billy Shane
trình bầy những nhạc phẩm lời Pháp và Anh rất chuẩn và luôn cho rằng
mình «hát tiếng Việt không ai dở bằng» như anh vẫn tâm sự. Nhưng thật
ra, thực tế đã không như lời anh nói…
Tên tuổi Billy Shane càng ngày càng lên
cao sau khi từng hợp tác với những ban nhạc trẻ được đánh giá là hàng
đầu của Việt Nam thời đó là The Spotlights, The Strawberry Four, The
Vibrations, vv…
Với ban The Spotlights, giọng hát của
Billy Shane đã khiến cho rất nhiều quân nhân Hoa Kỳ say mê trong những
lần trình diễn tại các câu lạc bộ giải trí dành cho những sĩ quan cũng
như quân nhân Mỹ ở Sài Gòn cũng như tại Đà Nẵng, Nha Trang, Cam Ranh,
vv…Với The Strawberry Four, Billy Shane cũng rất được khen ngợi trong
chương trình truyền hình dành riêng cho ban nhạc này trên đài truyền
hình Hoa Kỳ phát hình tại Việt Nam vào cuối thập niên 60.
Vào thời gian này, Billy Shane thành hôn
với một thiếu nữ tên Lan. Nhưng cuộc hôn nhân giữa hai người đã đi đến
tan vỡ sau khi ra đến hải ngoại từ tháng 3 năm 1972.
Một thời gian khá dài sau khi cuộc hôn
nhân đầu tiên tan vỡ, Billy Shane thành hôn với một thiếu nữ người Mỹ
tên Barbara cũng là một ca sĩ và là người cùng trình bầy với anh một số
nhạc phẩm, trong số có Ou Est Passée Ma Bohême…
Từ ngày qua đến hải ngọai và cư ngụ tại
miền nam California, hầu như Billy Shane rất ít họat động về ca nhạc mà
dành nhiều thì giờ để nghiên cứu về âm thanh cũng như những máy móc liên
quan đến nghành điện tử mà anh rất say mê từ thời còn trẻ. Mãi cho đền
khoảng cuối thập niên 80, Billy Shane mới quay về với lãnh vực ca hát
trong việc nhận lời thu thanh khá nhiều nhạc phẩm cho trung tâm Asia.
Ngoài ra cũng thỉnh thoảng cộng tác với
trung tâm nhạc của các bạn bè nghệ sĩ. Chẳng hạn như Elvis Phương, trong
việc phụ họa bằng giọng hát bè cao vút của mình. Thêm vào đó là vài lần
xuất hiện trên video của trung tâm Asia, khởi đầu với chương trình đặc
biệt kỷ niệm 10 năm thành lập trung tâm này cùng một số chuyến lưu diễn
tại các tiểu bang Hoa Kỳ và tại Montreal, Canada.
Ở Montreal, trong một chương trình do tôi
tổ chức vào năm 1992, Billy Shane đã tạo được một sự thành công rực rỡ.
Trong chuyến đi này có cả vợ anh là Barbara, hiện cư ngụ tại nam
California. Thỉnh thoảng Barbara vẫn liên lạc với Jo Marcel là người
từng nâng đỡ Billy Shane trong những ngày đầu đi hát.
Billy Shane đang trong vòng thực hiện dự
định của anh là bước vào lãnh vvực sáng tác nhạc để đưa vào CD đầu tiên
của mình thì đột ngột ra đi vào ngày 10 tháng 11 năm 1994 do bệnh tim
sau một lần bị cúm nặng để lại niềm luyến tiếc sâu xa trong giới nghệ sĩ
và những khán thính giả ái mộ.
Trường Kỳ