Nếu bạn có ở miền Nam Cali vào cuối thập niên 70, thập niên 80 & 90 thì chắc không xa lạ gì với tiệm sách Tú Quỳnh & khu Bolsa Mini Mall nằm ở góc đường Bolsa & Bushard của thành phố Westminster.
Thời cuối năm 1981, khi 2 anh em dọn qua Nam Cali thì khu Bolsa Mini Mall đã hiện diện ở ngay đó.
Chỉ là một trung tâm thương mại bé bé nằm trên một đại lộ rộng mênh mông, chung quanh là những khoảng đất trống mênh mang trồng dâu. Thế nhưng Bolsa Mini Mall vào thời ấy đã là một hãnh diện lớn của toàn thể cộng đồng người Việt hải ngoại, vì chỉ trong vòng hơn 6 năm tị nạn mà người Việt đã có được một trung tâm thương mại sầm uất (so với người Việt thời bấy giờ) ở Bắc Mỹ.
Thời ấy Cali được mệnh danh là thủ đô của người Việt tị nạn vì thời tiết tốt, ôn hoà, người Việt rủ nhau ầm ầm đổ về Cali. Và đã tới Cali là phải ghé Bolsa Mini Mall để đi ăn uống, mua băng nhạc, đi shopping thì mới đúng điệu. Chưa ghé Bolsa Mini Mall là chưa ghé Cali.
Thật ra chung quanh vùng cũng có lác đác những chợ & những trụ sở thương mại của người Việt, nhưng Bolsa Mini Mall là nơi tập trung đông nhất & "đã nhất" cho thời bấy giờ. Bolsa Mini Mall có những hấp lực để thu hút khách Việt là sự tiện lợi.
Tại trung tâm đó hầu như dịch vụ gì cũng có. Có Trung Tâm Băng Nhạc Giáng Ngọc. Thêm 2 nhà hàng rất ngon, sạch sẽ, lại mở khuya là Thành Mỹ & Thanh Hải. Chợ búa thì không ở ngay trong khu những cũng vòng vòng quanh đó. Và Bolsa Mini Mal có tiệm Sách Báo & Băng nhạc Tú Quỳnh.
Bất cứ gia đình Việt nào thời ấy cũng đau đáu nhớ quê hương nên ai cũng thèm khát những cuốn sách, cuốn truyện, tập nhạc, hay những băng nhạc của Sài gòn trước 75 cũng như mới ra sau này. Và tiệm sách Tú Quỳnh -tiệm lớn nhất của thời điểm đó - có đầy đủ nhất để cung ứng cho nhu cầu của khách.
Thời mới dọn qua quận Cam (Orange County) ở Nam Cali ấy 2 anh em làm gì đã có xe, đi đâu cũng phải lấy xe bus. Bởi vậy bữa nào có ai cho quá giang xe tới Bolsa Mini Mall là thích mê tơi. Thích nhất là được ghé vào tiệm sách Tú Quỳnh đứng vẩn vơ ngắm sách ngắm băng, ngắm posters của ca sĩ (vì làm gì có tiền mà mua). Chỉ nhiêu đó thôi cũng đủ sung sướng cõi lòng rồi.
2 cuốn từ điển Lê Bá Kông dầy cui non gang tay rất cần thiết để đi học của 2 anh em cũng đã được mua ở đây. 2 ông bà chủ, chị Yến & anh Thạnh (được gọi luôn là chị Yến & anh Thạnh Tú Quỳnh) tự lúc nào đã trở thành 2 cái tên thân thuộc của những người khách tuy chẳng phải là thân thuộc quen biết gì, chỉ là mối quan hệ chủ-khách.
Băng nhạc cassette nào mà kiếm không ra ở những tiệm bán gần nhà, tới Tú Quỳnh thì sẽ có cơ hội thấy nó ở đó. Kiếm cuốn truyện nào, đưa tên cho ông bà chủ, tuần sau ghé ra là có ngay. Lịch sách, lịch treo tường đầu năm, ghé đây là tất tần tật có hết.
Vài năm sau đó, Tú Quỳnh cũng là nơi đầu tiên có đầu máy sang băng.Lúc ấy là thời cực thịnh của nhạc New Wave. Ai cho mượn cuốn cassette New Wave hay quá, muốn có riêng cho mình một cuốn thì mang ra Tú Quỳnh họ sang cho. 2 tiếng sau ghé lại lấy & trả khoản tiền sang rẻ rề...Cứ thế thôi mà tiệm sách Tú Quỳnh đã trở thành một địa điểm quen thuộc của thời học sinh mà cuối tuần nào phải ghé tạt qua vào ... ngó một cái cho dù chẳng có chuyện gì cần phải ghé.
Thấm thoát thế mà Tú Quỳnh đã là một biểu hiện (icon) đứng giữa thủ đô Little Sài gòn của người Việt hải ngoại cho hơn 40 năm trời. (Cái tên Little Sài gòn là mãi sau này mới có). Những người học sinh thuở nào đã ra trường, có công ăn việc làm, có gia đình, rồi có con cái, con cái rồi lớn lên, tiệm Tú Quỳnh vẫn đứng đó như một chuyện... dĩ nhiên phải thế.
Đùng một cái tuần lễ vừa rồi đọc được ở đâu đó tin Tiệm Sách Tú Quỳnh đang đóng cửa, chị Yến Tú Quỳn muốn về hưu. Thật sự chẳng dính dáng gì nhưng bỗng thấy mình lặng đi vài giây, thấy lòng có chút giao động, xao xuyến. Cái cảm giác giống hết như cái thời tiệm Thuý Nga ở quận 13, Paris bên Tây tuyên bố đóng cửa vậy. (Thời đó mình đã mua vé máy bay bay qua tận Paris để bye bye tiệm Thuý Nga.) Con người mình vậy đó, nặng nề sống chết với những kỷ niệm,chẳng biết làm sao khác được bây giờ!!!
Buổi sáng sau khi tập gym xong, vòng xe xuống Bolsa để chụp lấy tấm hình kỷ niệm với với tiệm sách thân thuộc này trước khi bảng hiệu bị dỡ bỏ. Khu Bolsa Mini Mall được chủ phố tân trang trông khang trang, đẹp ra & lạ mắt. Tiệm Tú Quỳnh (đang cửa khoá, tắt đèn) cũng thế, trông thật lạ thiếu điều nhận không ra!
Đang đứng bấm máy chụp hình thì thấy có một người đàn bà đội nón đi tới & dừng lại mở khoá tiệm.
Chẳng hiểu sao mà chân bước lại gần rồi cất tiếng:
- "Chị Yến. Chị Yến hả chị?"
Người đàn bà quay lại, mấy chục năm rồi mém nhận không ra, may mà còn chút nét quen thuộc. Chút ngần ngừ nhưng vẫn hỏi lại cho chắc ăn:
- "Xin lỗi Chị Yến phải không ạ?"
- "Ừ... chị Yến đây!"
Gỡ mắt kiếng cùng khẩu trang ra để chị khỏi sợ:
- "Em là ... Don Hồ đây. Chị khoẻ không ạ?"
Nói chuyện với chị mà như quen biết từ thuở nào tuy thật sự chỉ là khách mua sách của chị mãi từ 20 năm trước...
- "Em có nghe tin tiệm đóng cửa. Tú Quỳnh đã là một cái tên thân thuộc với đời sống sinh viên của tụi em từ thuở đó đến giờ. Nghe tin thấy buồn quá. Ghé lại để xin phép chụp vài tấm kỷ niệm với tiệm"
Ý là chỉ đứng bên ngoài chụp bảng hiệu thôi, ai dè chị Yến lách qua một bên:
- "Ừ, em cứ tự nhiên vào chụp đi!"
Như được mở đèn xanh, cám ơn chị rồi bước vào bên trong. Bên trong tiệm có thay đổi nhiều,. Hình như ... diện tích có nhỏ hơn đi so với khi trước? Sách báo băng nhạc thì vẫn còn tràn ngập trên các kệ.
- "Thưa tiệm có ... mở cửa hoạt động không chị, em có thể mua vài thứ được không?"
- "Chỉ còn mở cuối tuần để ráng bán cho hết sách báo thôi. Nhưng em cần gì thì cứ lựa đi"
Không có ý định mua gì trước đó, nhưng bỗng dưng muốn ủng hộ chị, ủng hộ tiệm chút đỉnh. Đã từ lâu không theo dõi sách báo nên chẳng biết lựa cuốn truyện nào, thôi thì cái bìa nào hợp mắt nhất thì lựa cuốn đó vậy. Mang 3 cuốn sách ra quầy tính tiền, rảo mắt nhìn quanh rồi tần ngần nói:
- "Tiệm đã bao nhiêu năm rồi há chị..."
Câu nói như bắt trớn cho chị Yến trút bầu tâm sự:
- "Ừ, biết bao nhiêu năm rồi em. Nhưng mấy tháng rồi mùa dịch bị đóng cửa mà vẫn phải trả tiền phố. Chị không chịu nổi được nữa. Buồn lắm, nhưng đành vậy thôi..."
Ôi, té ra là vì trận dịch chết bầm, trận dịch đã khiến cho bao người trên thế giới lao đao! Theo những gì đã đọc được hôm qua thì người biên tin đã cho hay là chị Yến đã tới lúc muốn nghỉ hưu. Có lẽ biên thế cho... lịch sự.
- "Bao nhiêu người bị chung số phận với tiệm chị ơi, chị đừng buồn nhé..."
- "Không buồn sao được, buồn chứ em..."
Đôi mắt chị sâu thẳm, một chút nước lóng lánh đọng 2 bên khoé.
Tự dưng hình ảnh của một chị Yến trẻ trung lanh lẹ, vui vẻ, tóc cột đuôi gà lúc lắc theo sự di chuyển của ngày nào đứng sau quầy, tiếp khách đang tấp nập ra vào mua bán hiện ra trước mắt, thay cho một hình ảnh của một chị Yến của thời hiện tại đang đứng trước mắt trong một không gian thật ... vắng lặng...
Chị Yến bỏ vào túi xách thêm cho 3 tờ báo:
- "Chị tặng em này..."
Không muốn lấy nhưng không hiểu sao mình lẳng lặng cầm rồi cám ơn. Bước ra khỏi tiệm mà lòng bâng khuâng. Bên ngoài trời mùa thu nắng nhẹ. Không phải chỉ tiệm chị Yến vắng mà toàn khu cũng ... vắng luôn, thấy thật tội!
Rồi đây có lẽ không phải chỉ có mình tiệm sách Tú Quỳnh của chị Yến đóng cửa mà sẽ tiếp theo là ... bao nhiệu tiệm khác. Chẳng biết bao giờ mọi việc mới trở lại như xưa? Mà dẫu có trở lại thì vùng kỷ niệm của mình cũng đã bị khuyết đi một mảnh.
Cầu nguyện cho chị Yến thật nhiều sức khoẻ & bình an. Chắc sẽ chẳng còn bao giờ có dịp gặp lại chị, nhưng cái tên Tú Quỳnh & tên anh chị chắc sẽ chẳng quên. Không những chỉ với riêng cá nhân mình mà với những người sống thời đó chắc cũng sẽ thế...
Chị Yến khi nãy có lãng đãng nói, chẳng biết nói cho mình hay cho riêng chị:
- "Chị thương mớ sách báo trên kệ này quá em ạ. Công của chị bao nhiêu năm gầy dựng..."
Mớ sách báo, truyện ngắn dài đủ loại vẫn còn chất chồng nhiều lắm. Khách của tiệm thời xa xưa như mình, vị nào cần sách báo băng nhạc Việt, hay muốn ghé thăm chút không gian cũ trước khi tiệm Tú Quỳnh đóng cửa vĩnh viễn xin ghé lại tiệm cuối tuần này. Hoặc mua ủng hộ chút gì đó, hoặc một lời an ủi tạm biệt chị, chắc chị cũng được chút ấm lòng...
Don Hồ
Thứ tư 21 tháng 10, 2020
No comments:
Post a Comment