Băng Nhạc Đỗ Lễ (1974-1975)

Băng Nhạc Đỗ Lễ (1974-1975)
Nhạc sĩ Đỗ Lễ tên thật là Đỗ Hữu Lễ, sinh ngày 12 tháng 10 năm 1941 tại Hà Nội. Anh từng học trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn (1953), Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định (1954), Đại Học Khoa Học Sài Gòn (1959), Đại Học Luật Khoa Sài Gòn (1963). Năm 1965 anh đạt được Huy Chương Vàng trong cuộc thi Lực Sĩ Đẹp.

Năm 1951, nhạc sĩ Đỗ Lễ tự học nhạc và bắt đầu sáng tác từ năm 1956 khi mới 15 tuổi. Bài Sang Ngang được anh viết trong tình cảnh tuyệt vọng khi người anh yêu (ca sĩ Lệ Thanh) lên xe hoa. Bài hát này nhanh chóng trở nên phổ biến và đã làm cho biết bao nữ sinh rơi nước mắt.

Nhạc sĩ Đỗ Lễ kết hôn với người vợ đầu là ca sĩ Hoài Xuân (người trình bày nhạc phẩm Sang Ngang lần đầu trong các phòng trà ở Sài Gòn), tuy nhiên cuộc tình này chỉ kéo dài 6 năm khi họ có với nhau ba mặt con. Thời gian đau khổ sau khi chia tay anh đã sáng tác nhiều bản nhạc nghe rất não lòng như Tình Phụ, Tan Vỡ, Tuyệt Tình, Tàn Phai, Dại Khờ… Nhạc phẩm Tình Phụ đã được tuyển chọn vào vòng chung kết những nhạc phim hay tại Đại Hội Điện Ảnh Á Châu tổ chức tại Tokyo vào đầu thập niên 70 và cũng là nhạc phẩm chính trong phim Sóng Tình với diễn viên chính là Thẩm Thúy Hằng.

Nhạc sĩ Đỗ Lễ cũng từng phụ trách một chương trình ca nhạc hàng tuần trên đài Truyền Hình Sài Gòn mang tên là “Thời Trang Nhạc Tuyển” và là một trong những chương trình truyền hình rất thu hút khán giả trước năm 1975, cùng một lúc anh đứng ra kinh doanh nhiều mặt hàng âm nhạc như thành lập hãng đĩa, hãng băng và xuất bản nhạc. Ngoài ra anh còn thực hiện những chương trình ca nhạc cho một số phòng trà và vũ trường ở Sài Gòn quy tụ các giọng ca như Hoàng Oanh, Khánh Ly, Thanh Lan, Thanh Tuyền, Giao Linh, Hương Lan, Caroll Kim, Hoài Xuân, Tam ca Sao Băng, Ba Con Mèo, Ba Trái Táo…

Đặc biệt chính Đỗ Lễ lại là người họa sĩ vẽ trang trí cho sân khấu những show truyền hình của anh nên anh được nhiều người gọi là họa sĩ “Sang Ngang” như tên một bài hát rất nổi tiếng của anh.

Trước năm 1975, lớp dạy nhạc của anh trên đường Trương Minh Giảng là nơi quy tụ rất nhiều học sinh theo học. Những năm sau đó lớp nhạc này của anh vẫn tiếp tục được các học sinh tìm đến ghi danh rất đông nên anh đã có được một đời sống khá sung túc, bình yên và ổn định. Đến năm 1994 nhạc sĩ Đỗ Lễ được thân nhân bảo lãnh qua Mỹ, định cư tại thành phố Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania.

Nhạc sĩ Đỗ Lễ đã tìm đến cái chết bằng cách tự tử với một liều thuốc Quinine cực độc vào ngày 24 tháng 3 năm 1997 trong căn nhà đang thuê trên đường Trần Đình Xu, Sài Gòn. Người ta tìm thấy trong căn nhà của anh hai lá thư tuyệt mệnh – một gửi cho vợ và một gửi cho một người bạn thân.



 

1 comment:

  1. Đỗ Lễ 01 - Tình Khúc Cho Nhau (15-1-1974)
    Đỗ Lễ 03 - Những Tình Khúc Tuyệt Vời (21-9-1974)
    Đỗ Lễ 04 - Xuân 75 (16-1-1975)
    BTW, hình trên là của ns Bảo Thu nhé.

    ReplyDelete